Chủ Nhật, 28/04/2024 18:16:21 GMT+7

Tin đăng lúc 19-05-2017

Lượt xem: 3657

Hình thức xử phạt hành vi buôn bán hàng giả

Hỏi: Buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt như thế nào? Muốn tìm hiểu thông tin và tham khảo các mẫu hàng giả và hàng thật thì tìm hiểu ở đâu?(Nguyễn Quý – Thanh Trì, Hà Nội).
Hình thức xử phạt hành vi buôn bán hàng giả
Hàng thật - hàng giả ngày càng khó phân biệt

Trả lời:

 

  1. Hình thức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả:

Theo Điều 11, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng (gồm: (1)Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; (2) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (3) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; (4) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa), mức phạt tiền như sau:

 

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

 

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

 

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

 

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

 

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

 

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

 

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

 

* Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định hành vi buôn bán hàng giả (quy định tại khoản 1, Điều 11) đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

- Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

 

- Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

 

- Là phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

 

* Hình thức xử phạt bổ sung:

 

- Tịch thu tang vật;

 

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

 

* Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

- Buộc tiêu hủy tang vật;

 

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả;

 

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

 

- Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm.

 

2. Muốn tìm hiểu thông tin và tham khảo các mẫu hàng giả và hàng thật, bạn có thể liên hệ với Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương, nhà phân phối, nhà sản xuất để được tư vấn khi mua hàng.

 

- Các mẫu hàng giả - hàng thật thì có thể tham quan tìm hiểu thông tin tại các cuộc triển lãm hàng thật – hàng giả do Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tổ chức hàng năm tại mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước./.

 

Ban Biên tập


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang