Thứ Bẩy, 27/04/2024 22:28:30 GMT+7

Tin đăng lúc 19-04-2022

Lượt xem: 1380

Hoài Ân 50 năm sau ngày giải phóng

Ngày 17/4, tạị thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã diễn ra sự kiện: Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19/4/1972 – 19/4/2022). Vào buổi sáng là buổi lễ truy điệu và an táng 60 hài cốt vừa tìm được của các liệt sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng đã hy sinh tại đồi Xuân Sơn thuộc xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân từ năm 1966.
Hoài Ân 50 năm sau ngày giải phóng
Ông Hồ Quốc Dũng – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại buổi Lễ

Tham dự buổi lễ, về phía Trung ương có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu V, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, Sư đoàn 3 Sao Vàng.

 

Về phía địa phương có các ông: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT và đông đảo người dân huyện Hoài Ân, cũng như các địa phương trong tỉnh .

 

 

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân 

 

Từ một vùng đất anh hùng trong chiến tranh

 

Hoài Ân là một huyện trung du phía Bắc của tỉnh Bình Định. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Bình Định nói riêng và Khu V nói chung, Hoài Ân là một trong những “chảo lửa” của chiến trường trọng điểm Bắc Bình Định và Quân khu V. Bom đạn quân thù đã dày xéo trên quê hương Hoài Ân ác liệt nhất. Chính nơi đây đã sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành của Sư đoàn 3 Sao vàng Anh hùng - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu V. Chiến thắng Xuân – Hè năm 1972 đã tạo căn cứ địa vững chắc cho phong trào cách mạng, Hoài Ân trở thành bàn đạp giải phóng các vùng lân cận, mở ra vùng chiến lược quan trọng ở đồng bằng Trung Trung bộ, nối liền Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tạo ra thế và lực góp phần tạo nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

 

Hoài Ân nói riêng, Bình Ðịnh nói chung rất tự hào khi biết rằng Hoài Ân là 1 trong 2 huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng từ ngày 19/4/1972 và giữ vững thành quả đó cho đến ngày thống nhất đất nước.

 

 

Cầu Phú Văn - công trình giao thông quan trọng kết nối huyện Hoài Ân và TX Hoài Nhơn vừa được khánh thành

 

Đến một mô hình kinh tế nông nghiệp xanh – bền vững

 

Chiến tranh đi qua, mảnh đất Hoài Ân chỉ còn lại tro tàn, đổ nát, tất cả hầu như bắt đầu từ con số không; Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Hơn nữa, vị trí địa lý không thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác đầu tư phát triển kinh tế; Trình độ đội ngũ cán bộ, nhất là về quản lý kinh tế chưa đáp ứng kịp yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới…

 

Phát huy truyền thống cách mạng, từ ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân đã và đang viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã đạt được, ra sức lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 

Hoài Ân đã tiến từng bước vững chắc để sau 50 năm giải phóng, kinh tế của huyện không ngừng phát triển; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; Đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi mang thương hiệu riêng của huyện Hoài Ân.

 

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển; Công nghiệp, thương mại - dịch vụ, văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; Quốc phòng - an ninh được tăng cường; Trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.

 

 

Bàn thờ truy điệu các liệt sĩ đặt dưới tượng đài Tổ quốc ghi công

 

Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, kinh tế của huyện không ngừng phát triển khá, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 11%. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng tập trung trang trại quy mô lớn, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi. Nhiều nông sản từng bước khẳng định được giá trị, thương hiệu trên thị trường như: “Trà Gò Loi”, “Bưởi Hoài Ân”, “Heo Hoài Ân”, “Dừa xiêm Hoài Ân”, “Gà ta thả vườn Hoài Ân”, “Gạo hữu cơ”... Riêng ngành chăn nuôi heo chiếm hơn 67% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp của huyện và luôn đứng đầu tỉnh về tổng đàn và chất lượng.

 

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi, các công trình phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, gắn với xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao được quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố và đồng bộ. Công tác chỉnh trang đô thị ngày càng chú trọng, tạo cho diện mạo của đất Trung du ngày càng khởi sắc, văn minh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao.

 

Hoài Ân đang hướng về 50 năm sau

 

Thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy cao độ truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết nhất trí, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chấp hành tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, phát huy tối đa các nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

 

 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và đồng chí Võ Thị Ánh Xuân viếng các liệt sĩ đã hy sinh tại đồi Xuân Sơn

 

Trong tầm nhìn 50 năm đến, yêu cầu tiên quyết là phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, trong toàn dân. Thực hiện thật tốt công tác vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi tiến hành từng công việc, từng hoạt động, nhất là triển khai các dự án, công trình dân sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư.

 

Những bài học lịch sử trong quá trình bảo vệ và xây dựng quê hương; Sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của cấp trên; Sự ủng hộ thường xuyên của các thế hệ nguyên cán bộ lãnh đạo và sự đồng thuận của toàn xã hội sẽ là nền tảng, là động lực để quê hương Hoài Ân tiếp tục vững bước trên đường phát triển 50 năm tới.

 

Văn Thuận


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang