Thứ Tư, 01/05/2024 13:31:49 GMT+7

Tin đăng lúc 25-08-2022

Lượt xem: 726

Hoạt động khuyến công đã tạo đà cho ngành chế biến lâm sản huyện Phú Bình phát triển

Hiện nay, huyện Phú Bình có khoảng 60% diện tích rừng đang trong độ tuổi khai thác. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chế biến gỗ của các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) đã tập trung hỗ trợ nguồn vốn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại cho nhiều cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Hoạt động khuyến công đã tạo đà cho ngành chế biến lâm sản huyện Phú Bình phát triển
Tỷ lệ sai hỏng sản phẩm khi sử dụng máy điêu khắc gỗ CNC gần như bằng không

 

Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã tăng cường công tác phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình để triển khai nhiều đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất và chế biến gỗ. Trong đó, đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị để chế biến lâm sản cho Hộ kinh doanh Dương Thế Trường (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình) là một ví dụ điển hình cụ thể.

 

Hộ kinh doanh Dương Thế Trường được Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Phú Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký ngày 19/6/2019 và thay đổi đăng ký lần thứ nhất ngày 20/9/2021 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, buôn bán phụ kiện máy móc về sản xuất đồ gỗ, sơn PU. Do là đơn vị mới được thành lập, đồng thời lại phải trải qua hơn hai năm dịch bệnh Covid-19 nên nguồn vốn khởi điểm ban đầu còn rất eo hẹp. Hộ kinh doanh Dương Thế Trường chưa có đủ nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống dây chuyền hiện đại cùng lúc. Việc sản xuất theo phương pháp thủ công, sử dụng thiết bị lạc hậu nên sản phẩm làm ra có độ tinh xảo không cao, mẫu mã chưa được bắt mắt nên sức mua trên thị trường khá thấp.

 

Nhằm giúp Hộ kinh doanh Dương Thế Trường khắc phục những khó khăn, phát triển sản xuất nên sau một thời gian tiến hành khảo sát, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã quyết định phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình hỗ trợ 185 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2022 cho Đơn vị để thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến lâm sản”. Từ nguồn vốn khuyến công, Hộ kinh doanh Dương Thế Trường đã mạnh dạn dành thêm 285 triệu đồng để đầu tư mua mới 02 máy điêu khắc gỗ CNC hiện đại (một máy có 08 đầu khắc và một máy có 10 đầu khắc). Cụ thể, hai máy này có Model lần lượt là S1818 và S2820; Công suất động cơ của mỗi đầu khắc gỗ là 2,2 kW; Tốc độ đầu khắc đạt tối đa 24.000 vòng/phút và tốc độ di chuyển đạt 500mm/phút; Đường kính mũi cắt từ 3,175 mm đến 12,7 mm; Máy sử dụng phần mềm điều khiển NcStudio/CA100; File nhận dạng G-Code, HPGN, PLT, DST, DXF, AL…; Sử dụng động cơ Servo/Stepmotor có điện áp AC 220V/380V/50Hz, trọng lượng 850 kg.

 

Quy trình công nghệ sản xuất:

 

 

Đây là hệ thống máy móc tiên tiến được nhập khẩu từ Trung Quốc và có độ mới 100%, với nhiều ưu điểm nổi bật như: Máy sử dụng công nghệ CNC (Computer Numerical Contral), được điều khiển bằng máy vi tính; Tự động hóa các thao tác tính năng; Cho phép gia công các sản phẩm có độ chính xác và độ phức tạp cao mà các máy công cụ truyền thống không làm được. Đặc biệt, máy rất dễ sử dụng, được sử dụng rộng rãi đối với tất cả các loại gỗ với đường nét tinh xảo, ứng dụng linh hoạt với nhiều kích thước, kiểu mã đa dạng; Đáp ứng nhanh nhu cầu của thị trường bởi thời gian gia công ngắn và gia công được nhiều bề mặt gỗ phức tạp…

 

 

Sản phẩm do máy CNC làm ra có độ tinh xảo cao

 

Ông Dương Thế Trường – Chủ hộ kinh doanh cho biết: Khi thành lập vào giữa năm 2019, gia đình chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Không những thế, đầu năm 2022 này, gia đình còn nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên khi đã hỗ trợ 185 triệu đồng để đầu tư, mua mới 02 máy điêu khắc gỗ hiện đại CNC phục vụ quá trình sản xuất các sản phẩm từ gỗ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến cho tình hình tài chính của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian sử dụng máy CNC công nghệ mới, tôi thấy hiệu quả đem lại rõ rệt. Máy vận hành hoàn toàn tự động thông qua hệ thống máy vi tính để gia công các loại gỗ có kích thước lớn, tạo ra các sản phẩm gỗ có độ chính xác cao; Năng suất lao động tăng lên gấp hàng chục lần so với sản xuất thủ công và tỷ lệ sai hỏng sản phẩm gần như bằng không. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn của máy giảm đi rất nhiều, qua đó, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; Tiết kiệm điện năng, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên chia sẻ: Sau một thời gian dài phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã khiến cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các hộ sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh nói riêng trải qua một phen lao đao nên nguồn vốn để đầu tư, đổi mới trang thiết bị máy móc, công nghệ trong sản xuất bị hạn hẹp. Do vậy, để hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển, những năm qua và đặc biệt trong năm 2022 này, Trung tâm đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến gỗ. Đồng thời, tổ chức giám sát, theo dõi tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo các đề án khuyến công được triển khai đúng nội dung, mục đích. Qua đó, đã từng bước khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao, cung cấp đa dạng sản phẩm gỗ cho thị trường …

 

Thông qua các chương trình hoạt động có tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao, có thể khẳng định, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến lâm sản từng bước ổn định sản xuất. Từ đó, tạo đà bứt phá nhằm mang lại bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển của ngành Công Thương tỉnh nhà theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP.

 

Tuấn Ninh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang