Thứ Hai, 29/04/2024 14:20:32 GMT+7

Tin đăng lúc 24-09-2023

Lượt xem: 663

Hoạt động khuyến công đang trở thành động lực giúp các doanh nghiệp cơ khí phát triển

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, địa phương đã đề ra định hướng phát triển và tập trung triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp cơ khí đóng vai trò “trụ cột” và là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động khuyến công đang trở thành động lực giúp các doanh nghiệp cơ khí phát triển
Hoạt động khuyến công đã và đang giúp nhiều DN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững

Được biết đến là cái nôi của ngành Công nghiệp luyện kim của cả nước với sự ra đời của Khu Gang thép Thái Nguyên cách đây hơn nửa thế kỷ, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định ngành công nghiệp, công nghiệp cơ khí chính là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, chỉ tính riêng ngành Cơ khí, hiện toàn tỉnh có khoảng 340 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó có nhiều tên tuổi lớn với về dày truyền thống như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; Công ty CP Cơ khí Phổ Yên; Công ty CP Phụ tùng máy số I; Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công… Những DN này đã tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động và doanh thu hàng năm đạt trên 50.000 tỷ đồng. Đặc biệt, để tạo điều kiện tốt nhất cho ngành Cơ khí địa phương phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững, phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các DN lớn, có bề dày lịch sử thì vẫn còn đó những đơn vị sản xuất cơ khí quy mô nhỏ vẫn lao đao trong vòng xoáy khó khăn. Nguyên nhân được chỉ ra là do các DN này chưa đủ nguồn lực để đầu tư thiết bị tiên tiến trong quá trình sản xuất; Sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được các yêu cầu về mẫu mã, chất lượng…

 

Nhằm thúc đẩy các DN cơ khí trên địa bàn phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, những năm qua và đặc biệt trong năm 2023 này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) đã tích cực đồng hành, triển khai nhiều đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho DN. Các đơn vị sau khi nhận được sự hỗ trợ từ các đề án khuyến công đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, qua đó năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên rõ rệt, mở rộng thị trường và trên hết là giải quyết được việc làm cho lao động địa phương.

 

Đơn cử như tại Công ty TNHH Kết cấu thép 90 Việt Nam (phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái nguyên). Ban Giám đốc Công ty định hướng mở rộng quy mô sản xuất nhằm đón đầu xu hướng phát triển, thế nhưng do eo hẹp về tài chính nên đơn vị chưa biết xoay xở nguồn vốn từ đâu. Và như một chiếc phao cứu sinh, đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho Công ty TNHH Kết cấu thép 90 Việt Nam để đầu tư mua mới 01 máy chấn thủy lực. Cụ thể, máy có Model: PBA-300/3100; Tốc độ chấn: 10 mm/s... Đây là hệ thống máy móc tiên tiến được nhập khẩu từ Trung Quốc và có độ mới 100%, với nhiều ưu điểm nổi bật như: Máy chấn thủy lực được hoạt động theo cơ chế ép thủy lực thông qua 02 bộ phận chính là chày và cối. Hai thiết bị này tạo góc cho vật liệu cần chấn có thể là tôn, inox, hoặc các vật liệu bằng kim loại khác. Thông qua hệ thống điều khiển cơ và điện tử, toàn bộ lưỡi chấn chuyển động thẳng đều tạo ra các đường chấn chuẩn chỉnh, đều đặn. Đặc biệt, chính nhờ những ưu việt riêng biệt của hệ thống máy mới nên sản phẩm làm ra đã đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng khó tính.

 

 

Máy chấn thủy lực giúp Công ty TNHH Kết cấu thép 90 Việt Nam tạo ra những sản phẩm cơ khí chất lượng cao

 

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hải Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH Kết cấu thép 90 Việt Nam chia sẻ: Là một DN nhỏ nên việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất quả thực rất khó khăn đối với chúng tôi. Đặc biệt, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kết hợp với suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến cho tình hình tài chính của Công ty gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua sự hỗ trợ hết sức ý nghĩa và thiết thực của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã giúp chúng tôi có thêm động lực để đầu tư thiết bị… Sau một thời gian sử dụng máy chấn thủy lực hiện đại vào trong quá trình sản xuất, tôi thấy hiệu quả đem lại rõ rệt. Nổi bật là các sản phẩm cơ khí làm ra đạt chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính. Mặt khác, do chất lượng sản phẩm vượt trội nên đơn đặt hàng của khách hàng ngày một gia tăng, qua đó giúp DN duy trì phát triển sản xuất, cũng như tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.

 

Ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên cho biết: Được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Nguyên, Cục Công Thương địa phương và Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến công đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho Công ty TNHH Kết cấu thép 90 Việt Nam để thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí”. Đồng thời, Trung tâm còn tổ chức giám sát, theo dõi tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo đề án khuyến công được triển khai đúng nội dung, mục đích. Đến nay, đề án đã giúp Công ty TNHH Kết cấu thép 90 Việt Nam hoàn thiện hệ thống máy móc với công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất, cũng như tạo ra những sản phẩm cơ khí có chất lượng cao, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và tính thẩm mỹ của thị trường. Từ đó, giúp DN mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương…

 

Có thể thấy, thành công của đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí” đã và đang tạo dựng được niềm tin cho các DN, cơ sở CNNT trong việc mạnh dạn đổi mới đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất. Từ đó, từng bước giúp các đơn vị nâng cao năng lực sản xuất, khẳng định thương hiệu, cũng như vị thế của mình trên thị trường có sức cạnh tranh cao như hiện nay. Hiệu quả thu được từ chương trình chính là động lực giúp các DN cơ khí trên địa bàn tỉnh phát triển, đồng thời sẽ là cơ sở vững chắc để Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ trong thời gian tới.

 

Anh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang