Thứ Sáu, 26/04/2024 23:10:39 GMT+7

Tin đăng lúc 18-05-2022

Lượt xem: 1173

Huyện Thạch Thất: Chủ động, linh hoạt trong sản xuất tạo động lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung của huyện Thạch Thất đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cá nhân, tổ chức đã chủ động đón đường lối của Huyện và Thành phố, linh hoạt trong sản xuất để xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Huyện Thạch Thất: Chủ động, linh hoạt trong sản xuất tạo động lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Hoa Cúc trồng trong giàn lưới

Động lực từ chương trình Nông thôn mới (NTM)

 

 

Năm 2020, Huyện Thạch Thất được công nhận là Huyện đạt chuẩn NTM. Trong giai đoạn từ 2021 - 2025, huyện đã đặt ra một số mục tiêu để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM như: Nâng mức thu nhập bình quân lên 120 triệu đồng/người/năm; Duy trì tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 100%, trong đó, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao 40%; NTM kiểu mẫu 25%; Tỷ lệ thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh văn hóa 85%; Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 95%; Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 90%; Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 100%, trong đó, số trường đạt chuẩn mức độ 2 trên 30%; Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt trên 80%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên 65%. Huyện Thạch Thất đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến nay, Huyện Thạch Thất đã có 2 xã (Đại Đồng, Hương Ngải) đạt chuẩn NTM nâng cao.

 

 

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã tập trung nhiều giải pháp phát huy thế mạnh địa phương, thúc đẩy chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Cùng với đó, Huyện đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện Thạch Thất có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung như: Trang trại rau hữu cơ Hoa Viên (Xã Yên Bình); HTX rau an toàn Hương Ngải; mô hình trồng hoa của Hộ sản xuất Nguyễn Hữu Cường (Xã Đại Đồng)…

 

 

Nhờ sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mà hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng lên rõ rệt. Đơn cử như HTX Rau an toàn Hương Ngải, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn khoai tây chất lượng cao, cùng với đó là các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP như rau ngót, rau muống…, tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, góp phần tích cực xây dựng NTM của xã Hương Ngải nói riêng, huyện Thạch Thất nói chung.

 

 

Theo ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế Huyện Thạch Thất: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy của các hộ sản xuất, kinh doanh, trọng điểm là các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp vừa, nhỏ và hộ gia đình.

 

 

Chủ động, linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

 

 

Trong hai năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp huyện Thạch Thất. Hoạt động sản xuất tại các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung cũng giảm đáng kể. Trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là các mô hình trồng hoa (vì không phải là hàng hóa thiết yếu).

 

 

 

Công đoạn ủ đất tại Trang trại hoa Hộ sản xuất Nguyễn Hữu Cường

 

 

Mầm giống Cúc Nhật tại Trang trại hoa của Hộ sản xuất Nguyễn Hữu Cường

 

Trao đổi với anh Nguyễn Hữu Cường - Chủ mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao xã Đại Đồng được biết: Do hoa không phải là hàng hóa thiết yếu nên trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, cơ sở đã chủ động chuyển sang trồng dưa chuột, dưa lê và cà chua, được chứng nhận VietGAP. Các loại sản phẩm này có chất lượng cao, an toàn nên sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhờ chuyển đổi sang trồng những loại cây này nên cơ sở vẫn duy trì được hoạt động.

 

Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, Cơ sở trồng hoa của anh Nguyễn Hữu Cường bắt đầu phục hồi trở lại. Ngoài việc, trồng  hoa ly, các loại hoa cúc..., anh khôi phục trồng và cung cấp các loại hoa c úc giống (chủ yếu là cúc Nhật) cho các vùng trồng hoa ở Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh...

 

 

Anh Nguyễn Hữu Cường chia sẻ thêm: Đến nay, trang trại có diện tích rộng gần 2ha, hầu hết được xây dựng nhà lưới. Trong quá trình thành lập trang trại và sản xuất, cơ sở của anh luôn nhận được sự quan tâm, động viên, khích lệ của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, để trang trại có thể vận hành hiệu quả, anh luôn chủ động, linh hoạt để vừa “đón” được đường lối chính sách của nhà nước vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ví dụ như Chương trình NTM của Huyện, chính sách khuyến khích sản xuất tập trung... không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương mà còn tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, trong sản xuất nông nghiệp, song song với việc xây dựng, chuẩn hóa quy trình thì phải nắm bắt nhu cầu thị trường để điều chỉnh phương án sản xuất sao cho phù hợp. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng hoa, bên cạnh trồng các loại hoa chủ lực thì phải trồng các loại hoa khác theo nhu cầu thị trường, theo mùa vụ, tính thời điểm... Có chủ động, linh hoạt thì sản xuất nông nghiệp mới thắng được.

 

 

Qua đây có thể nhận thấy, huyện Thạch Thất có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Sự quan tâm, chỉ đạo, khích lệ của các cấp chính quyền là động lực để cá nhân, tổ chức mạnh dạn đầu tư, đổi mới, chủ động, linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp. Tin rằng, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế của huyện giai đoạn 2021 -2025.

 

Kiều Minh

 

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang