Thứ Sáu, 26/04/2024 07:50:03 GMT+7

Tin đăng lúc 12-08-2015

Lượt xem: 5247

Khuyến công Bắc Giang: Hỗ trợ làng nghề phát triển

Với lợi thế là một tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, cùng với lực lượng lao động dồi dào, những năm qua Bắc Giang đã triển khai nhiều chương trình hoạt động khuyến công, hỗ trợ làng nghề sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao đông, từ đó bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng khởi sắc.
Khuyến công Bắc Giang: Hỗ trợ làng nghề phát triển
Ảnh minh họa

Nhận thức rõ, kinh tế làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho trên 70% lao động địa phương, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn đổi mới, tệ nạn xã hội giảm. Để tiếp đà cho các làng nghề phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Giang (Trung tâm) đã tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

 

Gặp gỡ và trao đổi với phóng viên, Ông Ngụy Đình Nghĩa – Giám đốc Trung tâm cho biết: Với chức năng là đơn vị triển khai các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Trung tâm đã thực hiện các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh như: Giải pháp về cơ chế chính sách; Giải pháp về vốn; Giải pháp về nguồn nhân lực; Giải pháp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật; Giải pháp về thông tin, tuyên truyền.

 

Trong đó, Trung tâm chú trọng hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tiềm năng nguyên liệu sẵn có của từng vùng như: Chế biến nông – lâm sản – thực phẩm, sản xuất thủ công mỹ nghệ, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tập trung hướng dẫn và trợ giúp nhiều cơ sở tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; Dành gần 2 tỷ đồng trong năm 2015 để thực hiện 20 đề án đào tạo nghề, truyền nghề, quảng bá mở rộng và phát triển thị trường cho các sản phẩm làng nghề. Thực hiện hỗ trợ 6 đề án đào tạo nghề với 6 lớp, tổng số lao động tại các làng nghề được đào tạo là 210 lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức 2 lớp tập huấn khởi sự, quản trị doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh rượu cho 140 học viên là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề Yên Viên. Đặc biệt, đối với giải pháp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Trung tâm hỗ trợ 2 đề án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng tại HTX Bún bánh Đa Mai và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quang Tùng.

 

Ngoài các giải pháp trên, Trung tâm còn tập trung thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm làng nghề Bắc Giang trên các phương tiện truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương. Cùng với đó là trên các ấn phẩm do Trung tâm xây dựng và phát hành như bản tin khuyến công, catalog, đĩa CD, tờ gấp.

 

Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành trung ương và địa phương, những nỗ lực và quyết tâm của đội ngũ Lãnh đạo, cán bộ Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công sẽ là sự đóng góp quan trọng để bắc những nhịp cầu vững chắc, đẩy nhanh sự phát triển của các làng nghề truyền thống trên mảnh đất quê hương.

 

                                                                                                Lê Tuấn Anh

 

         

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang