Thứ Bẩy, 27/04/2024 05:47:16 GMT+7

Tin đăng lúc 08-11-2016

Lượt xem: 2877

Kích cầu tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận

Đây là cơ hội để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, thương hiệu Thanh long Bình Thuận đến người tiêu dùng tạo thuận lợi trong việc củng cố, phát triển thị trường tiêu thụ.
Kích cầu tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận

Trong 03 ngày, từ ngày 21 đến ngày 23/11/2016, tại Khách sạn Park Diamond, khu Đồi dương, đường Lê Lợi, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Hội nghị xúc tiến Thanh long tại tỉnh Bình Thuận do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp tổ chức.

 

Tham dự hội nghị có đại diện của các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương như Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, các cục vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

Theo dự kiến, chương trình thu hút sự tham gia của 200-250 đại biểu đến từ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong nước có cửa khẩu xuất khẩu thanh long, có dung lượng thị trường tiêu thụ thanh long số lượng lớn và các tỉnh sản xuất thanh long tập trung, sản lượng lớn.

 

Các doanh nghiệp phân phối; chợ đầu mối nông sản; Hiệp hội thanh long; các hiệp hội ngành nghề; hợp tác xã chế biến thanh long của tỉnh Bình Thuận; một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm và xuất nhập khẩu thanh long trong và ngoài nước, chủ yếu là Đoàn của các thương nhân Trung Quốc.

 

Bình Thuận là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất cả nước, thống kê đến năm 2015, diện tích thanh long của tỉnh là 26.026 ha, tập trung ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình…, sản lượng hàng năm khoảng 500.000 tấn.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 9.000 ha/9.855 hộ/432 cơ sở được chứng nhận VietGAP, 262 ha chứng nhận GlobalGAP và 54 cơ sở thu mua, kinh doanh thanh long đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế, đóng gói xuất khẩu. Trái thanh long Bình Thuận đã có mặt hầu hết trên các thị trường trong cả nước, trong đó tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, các tỉnh duyên hải miền Trung. Hoạt động mua bán thanh long do doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, đóng gói thanh long thực hiện thông qua các kênh phân phối, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố; trong đó có các kênh phân phối lớn như Trung tâm kinh doanh Chợ đầu mối phía Nam - Hà Nội, Chợ đầu mối Long Biên - Hà Nội, Chợ đầu mối chuyên kinh doanh phân phối rau quả tại TP HCM. Thanh long cũng đã thâm nhập vào hệ thống siêu thị trong nước.

 

Phần lớn sản lượng thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu (80 - 85%); trong đó, xuất khẩu chính ngạch khoảng 2 - 3%, còn lại được vận chuyển ra các tỉnh biên giới phía Bắc để tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Thị trường nội địa chỉ tiêu thụ 15 - 20% sản lượng và hoạt động mua bán thanh long do các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, đóng gói, thương lái kinh doanh thanh long thực hiện thông qua các kênh phân phối: chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ… ở các tỉnh, thành phố trong nước. Qua khảo sát thực tế, thị trường nội địa tiêu thụ 15 - 20% sản lượng thanh long Bình Thuận.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 6.185 tấn thanh long đạt kim ngạch 4,39 triệu USD, giảm 19,12% về lượng và giảm 18,38% về giá trị so với 9 tháng năm 2015. Thị trường xuất khẩu chính ngạch: 12 thị trường, giảm 02 thị trường (Qatar, New Zealand) và tăng 01 thị trường (Đức) so cùng kỳ 2015.

 

Hội nghị sắp tới sẽ là cơ hội tốt để nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, thương hiệu Thanh long Bình Thuận đến người tiêu dùng tạo thuận lợi trong việc củng cố, phát triển thị trường tiêu thụ.

 

Nguồn Moit.gov.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang