Thứ Sáu, 26/04/2024 15:52:49 GMT+7

Tin đăng lúc 05-06-2016

Lượt xem: 6009

Làm thế nào để tìm đầu ra cho sản phẩm phân bón?

Hiện nay, sự cạnh tranh trên thị trường phân bón trong nước đã hạ nhiệt do nhu cầu sử dụng đã giảm và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm chí ít là đến năm 2018, bởi khi đó Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP thì phân bón cũng sẽ là một mặt hàng chịu sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu là một trong những hướng đi cần thiết của các doanh nghiệp phân bón Việt Nam, nhằm đón đầu những thời cơ mới mà không gặp phải khó khăn, bỡ ngỡ.
Làm thế nào để tìm đầu ra cho sản phẩm phân bón?

Tiềm năng sản xuất phân bón trong nước

         

Năm 2016, sản lượng phân bón trong nước tăng mạnh do việc đi vào hoạt động các nhà máy mới. Đối với mặt hàng phân u rê, từ khi Nhà máy Phân đạm Hà Bắc hoàn thành đã nâng công suất từ 180 nghìn tấn/năm lên 500 nghìn tấn/năm vào tháng 6 năm ngoái, đưa tổng sản xuất u rê của Việt Nam đạt mức 2660 nghìn tấn một năm, tăng 14%. Ở phân khúc DAP, Nhà máy DAP Lào Cai với công suất 330 nghìn tấn/ năm đã hoàn tất công tác chạy thử, chính thức đi vào sản xuất từ ngày 01/7/2015 giúp nguồn cung DAP trong nước tăng gấp đôi. Xu hướng giảm của giá dầu có thể vẫn tiếp tục trong năm nay, điều này khiến giá khí bán cho đạm tính trực tiếp trên giá dầu sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Các doanh nghiệp phân bón đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán như LAS, DPM, PFC đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong năm 2016. Ba doanh nghiệp này đại diện cho 3 thị phần khác nhau đối với các mặt hàng phân bón và đều có những thuận lợi và thách thức chung, trong đó Tổng công ty CP Phân bón và Hóa chất dầu khí DPM được xác định là sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ giá dầu suy giảm, giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp.

 

Dẫn đầu thị trường phân lân là Công ty Cổ phần Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), sản phẩm tiêu thụ năm 2016 được kỳ vọng sẽ ổn định trong khi biên độ lợi nhuận gộp của LAS khi giá lưu huỳnh trên thị trường tiếp tục suy giảm. Trong khi đó, Công ty CP Phân bón Bình Điền (PFC) lại đang kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất phân bón NPK lớn nhất tại Việt Nam. Để hiện thực hóa tham vọng này, PFC đã đưa vào hoạt động Nhà máy NPK Bình Điền Mê Kong với công suất 100 nghìn tấn/năm trong quý III 2015 và Nhà máy NPK Bình Điền Ninh Bình có công suất ban đầu 200 nghìn tấn mỗi năm cũng được đi vào hoạt động từ ngày 21/10/2015, giúp tổng công suất của PFC nâng từ 675 nghìn tấn/ năm lên 975 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành phân bón đang ở trạng thái bão hòa, các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu thì có khả năng các nhà máy mới chưa thể hoạt động hết công suất trong thời gian đầu.

         

Bát nháo thị trường phân bón “thật – giả”

 

Nói tới những khó khăn của ngành phân bón trong nước hiện nay, không chỉ áp lực của thị trường bão hòa mà nạn phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường cũng là một vấn đề nhức nhối. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 10 triệu tấn phân bón các loại nên việc xuất hiện phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân mà còn cho cả nền kinh tế. Thực tế thời gian qua cho thấy, tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã gây ra những thiệt hại lớn cho nông dân, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, việc hướng cho người nông dân lựa chọn được các sản phẩm chất lượng trong một ma trận với khoảng 7000 sản phẩm phân bón đang lưu hành trên thị trường hiện nay là một việc làm hết sức khó khăn.

         

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, 6 hình thức kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng phổ biến hiện nay là nhái nhãn mác công ty trong nước, nhái nhãn mác sản phẩm nhập khẩu; phân u rê nước sản xuất nơi này, xuất hóa đơn nơi khác; bán phân bón qua hội thảo cà phê và bán phân bón qua hợp đồng tín chấp có giới thiệu của hội nông dân. Trên cả nước đã ghi nhận 45/63 tỉnh thành đã từng xảy ra nhiều vụ sản xuất kinh doanh phân bón giả hoặc kém chất lượng. Đây là hậu quả của việc quản lý phân bón chồng chéo, hệ thống văn bản pháp quy quản lý kinh doanh phân bón chưa phù hợp.

         

Vài năm trở lại đây, các hành vi vi phạm pháp luật trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón có chiều hướng gia tăng. Trung bình mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường xử lý trên 3000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1000 tấn phân bón giả các loại. Tình trạng này đang làm đau đầu các cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến các nhà doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con nông dân.

 

Doanh nghiệp và người dân chung tay hành động

 

Theo ông Phạm Quang Tuyến – TGĐ Công ty CP Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao: “Hàng nhái, hàng giả hiện nay trên thị trường thì rất nhiều, nhiều sản phẩm nhái giống sản phẩm của Công ty. Tuy nhiên, đối với Công ty cũng có các bộ phận nắm chắc thị trường, khi mà phát hiện có sự làm giả sản phẩm của Công ty trên thị trường thì sẽ có cán bộ đến giải quyết ngay và giải thích cho bà con nông dân nhận biết rõ là sản phẩm của Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao cũng như chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đưa ra các loại tem hợp quy, tem chống hàng giả để cho người dân thấy được sự khác biệt giữa sản phẩm của Công ty với hàng giả”. Tuy nhiên, lợi dụng vùng hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, người dân ít thông tin, các đối tượng sản xuất kinh doanh đã đưa phân bón giả, kém chất lượng vào tiêu thụ dưới nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi như trà trộn hàng giả với hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng với hàng chất lượng, hay là hình thức bán gối đầu cho các nhà phân phối nhỏ lẻ với giá rẻ để thu hút người mua. Điều nay gây thiệt hại lớn cho người nông dân và ảnh hưởng lớn đến ngành trồng trọt và suy thoái đất đai.

 

 

Đối với lực lượng quản lý thị trường, dù hàng năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, nhưng chỉ có 0,3% số vụ phi phạm có thể xử lý khởi tố hình sự. Không ít trường hợp các doanh nghiệp bị làm giả sản phẩm của mình nhưng lại chọn biện pháp im lặng, không muốn làm to chuyện vì sợ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh. Khi người mua e ngại tình trạng thật giả lẫn lộn, do lực lượng chức năng còn mỏng, một số cán bộ còn yếu về kiến thức, có nơi buông lỏng về quản lý, thậm chí là dung túng cho hàng giả. Nếu không kịp thời chấn chỉnh những tồn tại này sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp và đây là những kẽ hở cần sớm được khắc phục nếu muốn việc sản xuất kinh doanh phân bón đi vào nền nếp.

 

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm thì bà con nông dân khi sử dụng phân bón cần bình tĩnh chọn sản phẩm đủ dinh dưỡng đối với cây trồng, phù hợp với yêu cầu của đất đai, cần phải biết dựa vào sản phẩm nào có uy tín, có trách nhiệm, đó là các sản phẩm luôn cam kết và chịu trách nhiệm trước sản phẩm đó đến khi người nông dân tiêu thụ sản phẩm trên đồng ruộng. Ông Trần Văn Mười – Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần mạnh tay đưa ra những chế tài để DN đảm bảo đủ điều kiện về tài chính, chất lượng… mới được phép tham gia vào sản xuất phân bón để cung ứng cho thị trường. Làm sao sân chơi cho các doanh nghiệp chân chính có được một môi trường cạnh tranh lành mạnh và quan trọng nhất là bảo về được quyền lợi của bà con nông dân”.

 

Xu hướng xuất khẩu

 

Với việc nguồn cung phân bón trong nước sẽ dư thừa lớn, một số nhà máy sẽ mở rộng và xây mới đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam đã chuẩn bị cho mình những bước đi tiếp theo bằng việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Sau giai đoạn làm quen và thâm nhập thị trường, các sản phẩm phân bón của chúng ta cũng bắt đầu được khách hàng tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippin, Hàn Quốc, Nhật Bản, chấp nhận và ngày càng có sự tin tưởng cao vào những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Theo ông Lê Quốc Phong – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ: “Khi đưa sản phẩm chủ lực của mình qua một nước nào đó thì điều đầu tiên Công ty phải làm thương hiệu trước, bởi vì khi đó không còn là sản phẩm của Bình Điền nữa mà đó là sản phẩm của Quốc gia, của Việt Nam”.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu phân bón sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại của các nước Trung Đông và vùng Bantic, vốn là những nơi xuất khẩu phân bón lớn trên Thế giới. Bởi sản phẩm của Việt Nam có giá thành rẻ, lại có vị trí thuận lợi nằm gần vùng tiêu thụ phân bón lớn. Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước trong khu vực ASEAN chỉ mất từ 3 đến 5 ngày cho một chuyến hàng, ít hơn nhiều so với 40 đến 50 ngày một chuyến hàng vận chuyển từ các nước Trung Đông và vùng Bantic. Thay vào đó, cước phí vận chuyển hàng từ Việt Nam tới các nước trong khu vực cũng thấp hơn. Không chỉ có mặt tại các thị trường dễ tính, mà ngay cả tại các thị trường khó tính cũng dần dần bị các sản phẩm của nước ta chinh phục như là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia.

 

Xuất khẩu phân bón đang là một hướng mở tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi hội nhập, nhưng thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm phân bón của các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, bên cạnh mỗi doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh cũng như tăng tính xây dựng thương hiệu thì sự hợp tác liên kết giữa Chính phủ các nước là rất cần thiết để giúp cho doanh nghiệp thành công cả thị trường trong và ngoài nước.

 

Anh Tuấn 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang