Thứ Sáu, 26/04/2024 11:59:14 GMT+7

Tin đăng lúc 10-06-2018

Lượt xem: 3606

Làng nghề Phúc Sen: “Đổi đời” nhờ phát huy nghề rèn truyền thống

Làng nghề Phúc Sen thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Yên, tỉnh Cao Bằng là nơi đã nổi tiếng khắp cả nước với nghề rèn truyền thống. Nghề rèn, đúc nông cụ phục vụ lao động sản xuất như: cuốc, xẻng, dao, kéo, búa, cày bừa…. không chỉ giúp người dân nơi đây “đổi đời” mà nó còn là nét văn hóa riêng, độc đáo, thu hút rất nhiều khách du lịch đến với vùng đất Phúc Sen.
Làng nghề Phúc Sen: “Đổi đời” nhờ phát huy nghề rèn truyền thống
Làng nghề rèn Phúc Sen luôn đỏ lửa

Các sản phẩm ở xã Phúc Sen nhìn bề ngoài không có độ bóng bẩy nhưng nói về độ bền thì hiếm nơi nào có được. Ông Nông Văn Hiệp - người đã gắn bó với nghề rèn ở Phúc Sen suốt 50 năm qua cho biết: "Gia đình tôi làm nghề từ bao đời nay, nhưng chưa bao giờ thuê mướn nhân công. Bởi các cụ có dạy, làm dao phải gia truyền thì mới bền lâu". Ông Hiệp cũng cho biết, để học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận tinh tế của đôi tai. Họ phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Quan trọng nhất là người học nghề phải có cái tâm thì dao mới bền và sắc.

 

Hiện nay, xã Phúc Sen có 6/10 xóm làm nghề rèn, gồm: Pác Rằng, Phja Chang trên, Phja Chang dưới, Đâư Cọ, Lũng Vài, Tình Đông. Cả xã có gần 150 lò rèn với khoảng 200 hộ làm rèn, trên 500 thợ rèn lành nghề. Với giá bán trung bình từ vài chục nghìn đồng đến hơn 200 nghìn đồng/sản phẩm, mỗi năm người dân ở Phúc Sen làm ra hàng vạn sản phẩm với giá trị hàng tỷ đồng, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người lao động, cuộc sống của người dân trở nên sung túc hơn và tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể. Sau nhiều năm làm nghề, không ít hộ gia đình đã tạo dựng thương hiệu của riêng mình, và cũng không ít hộ đã tập trung lại để thành lập hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rèn, như: HTX Minh Tuấn, HTX Long Chiến...

 

 

Làng nghề Phúc Sen đã trở thành điểm đón khách du lịch hấp dẫn

 

Xác định việc giữ gìn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống là yếu tố quan trọng giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao, đồng thời, góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Vì vậy đây là vấn đề luôn được chính quyền và nhân dân nơi đây hết sức quan tâm. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho bà con cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ gìn thương hiệu Phúc Sen; đồng thời, đưa làng nghề rèn Phúc Sen vào quảng bá trong kế hoạch làng du lịch cộng đồng để khách du lịch có thể được trải nghiệm và biết tới nghề rèn truyền thống của Phúc Sen. Đặc biệt, hằng năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở, HTX đưa sản phẩm đi giới thiệu, bày bán tại các hội chợ thương mại trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Nhờ vậy, những sản phẩm rèn Phúc Sen đã đến được với ngày càng nhiều người tiêu dùng và được khách hàng tín nhiệm bởi chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, với những nét riêng biệt, độc đáo của mình, làng nghề rèn Phúc Sen đã dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch vùng cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

 

Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu và chất lượng sản phẩm của mình, tuy nhiên, làng nghề Phúc Sen cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là trên thị trường có nhiều sản phẩm làm giả, làm nhái, gây mất uy tín những sản phẩm thương hiệu Phúc Sen. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng chưa thực sự ổn định, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ…

 

Để khắc phục khó khăn trên, bên cạnh sự nỗ lực của người dân làng nghề thì rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao tay nghề cho người dân, thành lập mô hình các HTX, tổ nhóm sản xuất, mở rộng tìm kiếm thị trường và nhất là cần chú trọng giải pháp đầu tư phát triển nghề rèn gắn với phát triển du lịch, góp phần đưa xã Phúc Sen ngày càng phát triển, đồng thời, bảo tồn những giá trị truyền thống của làng nghề độc đáo này./.

 

Đức Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang