Thứ Bẩy, 27/04/2024 05:45:00 GMT+7

Tin đăng lúc 11-05-2017

Lượt xem: 2871

Mía đường tồn kho kỷ lục

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2017, sản lượng mía tươi được ép đạt gần 11,3 triệu tấn, ước đạt hơn 1,04 triệu tấn đường (trong đó có 313.369 tấn đường RE). Lượng đường tồn kho đang lập mức kỷ lục 717.000 tấn, vượt qua mốc 701.680 tấn đường tồn trong tháng 4/2014.
Mía đường tồn kho kỷ lục
Đường Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ đường nhập lậu

Ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết: “Tốc độ tiêu thụ đường đang rất chậm. Tính trong tháng Tư, lượng đường tiêu thụ chỉ đạt 120.636 tấn, trong khi sản lượng đường ước đạt 165.000 tấn. Dù đã có 17 nhà máy kết thúc vụ ép 2016 – 2017, nhưng lượng đường sản xuất ra trong từng tháng vẫn đang cao hơn nhiều khả năng tiêu thụ”.

 

“Nghẽn” xuất khẩu, bất lực đường lậu

 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân đường tồn tăng cao là do nhu cầu đường tại thị trường nội địa giảm mạnh, trong khi xuất khẩu (XK) gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận của VSSA, kể từ đầu năm, đường Việt Nam không thể chạm đến thị trường Trung Quốc, dù nước này đang phải nhập khẩu khối lượng đường lớn bởi đường Việt Nam không thể cạnh tranh với đường Thái Lan cùng loại.

 

Ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch VSSA, cho hay: “Giá đường Thái Lan đang rất cạnh tranh do được Chính phủ nước này hỗ trợ. Về giống, Thái Lan chi 1,5 – 2 tỷ USD/năm để nghiên cứu cải tiến giống năng suất, trữ đường cao, cấp miễn phí cho nhà máy và nông dân. Về chi phí đầu tư cơ giới, nông dân chỉ phải trả 1 – 2% lãi suất, còn lại được cấp bù. Giá đường Thái Lan đang là “nỗi sợ” của hầu hết các nước xuất khẩu đường”.

 

Không chỉ tại thị trường Trung Quốc, ngay ở thị trường trong nước, đường lậu từ Thái Lan cũng đang gây khó cho đường Việt Nam. Với mức giá dao động từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, thấp hơn đường nội từ 600 – 1.400 đồng/kg, đường lậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiêu thụ của đường trong nước.

 

Đáng lo ngại là đường lậu đang có xu hướng gia tăng (tại khu vực biên giới Tây Nam và biên giới Lào), sau khi vượt biên sẽ được hợp thức hóa bằng cách đóng gói, gắn nhãn mác của các công ty trong nước, hoặc bày ba công khai trên thị trường. Theo các chuyên gia, nếu chênh lệch giá còn tồn tại, buôn lậu vẫn là “bài toán” nan giải.

 

Hiểm họa đầu cơ chờ giá

 

“Không chỉ đau đầu với đường lậu, các doanh nghiệp (DN) đường trong nước cũng đang khốn khổ với đường tạm nhập, tái xuất. Đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần siết lại quy định, thanh lọc thị trường trong thời gian nhanh nhất”, bà Đặng Thị Thu Hằng – đại diện công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh, chia sẻ.

 

Tồn kho kỷ lục, đường nhập lậu ồ ạt, song nghịch lý là giá đường trên thị trường vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khảo sát giá đường ngày 3/5, giá bán buôn đường kính trắng tại Hà Nội dao động từ 15.600 – 16.300 đồng/kg, tại miền Trung từ 15.000 – 15.400 đồng/kg, Tp.HCM từ 15.600 – 16.400 đồng/kg. Trong khi đường Thái Lan nhập lậu tại cửa khẩu Lao Bảo là 14.000 đồng/kg, tại Đông Hà 14.500 đồng/kg, tại biên giới Tây Nam 14.500 đồng/kg, Tp.HCM là 15.000 đồng/kg…

 

Bên cạnh nguyên nhân sản lượng mía đường suy giảm do hạn hán, xâm nhập mặn và giá nguyên liệu cao buộc các nhà máy phải tăng giá đường để bù chi phí sản xuất còn có một “vấn nạn” nữa là nhiều DN, công ty, đại lý đường đang “găm” hàng trục lợi. Việc có quá nhiều khâu trung gian phân phối đã tạo “lỗ hổng” cho các tư thương gom hàng trục lợi bất chính.

 

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định: “Thực trạng các DN sản xuất, kinh doanh đường găm hàng đợi giá tăng khiến giá đường sốt ảo, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng và các DN sản xuất dùng nguyên liệu đường. Rất nhiều lần các DN chế biến thực phẩm phải đề nghị nhập khẩu đường vì không đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất. Việc đầu cơ có lợi trước mắt gây ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững của ngành mía đường”.

 

Để giải quyết tình trạng đầu cơ, nhập khẩu (NK) là giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra. Theo Ts. Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế: “Giá thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu. NK sẽ là giải pháp tốt để cân đối lại thị trường, tăng hiệu quả cạnh tranh, loại bỏ tình trạng đầu cơ”.

 

Cùng quan điểm, ông Phạm Quốc Doanh cho rằng: “NK sẽ là công cụ để quản lý thị trường. Khi DN găm hàng, lập tức cho NK để ổn định thị trường và sẽ ngừng NK sau khi kiểm tra không còn tình trạng này. Một chính sách điều hành mềm dẻo, linh hoạt sẽ tạo điều kiện cho DN và ngành mía đường phát triển”.

 

Trước đó, VSSA đề nghị Bộ Tài chính xem xét mở rộng đối tượng áp thuế hạn ngạch 5% cho cả đường từ ASEAN và từ Brazil, Úc, Ấn Độ… để tăng tính cạnh tranh nguồn cung, tránh độc quyền nguồn cung từ Thái Lan, dẫn tới giá tăng cao.

 

Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia thương mại, cho rằng: “Cần tổ chức lại khâu phân phối, giảm bớt các khâu trung gian để rút ngắn con đường từ nhà máy đến tay người tiêu dùng. Nếu không làm được điều này, dù nâng hạn ngạch nhập khẩu đường, giá vẫn rất khó giảm”.

 

Biến đổi khí hậu và buôn lậu hoành hành khiến thị trường đường thế giới có nhiều biến động nên đòi hỏi các DN, nhà máy đường, công ty chế biến thực phẩm cần đề cao chữ tín trong hợp tác, chia sẻ lợi ích giữa người sản xuất, người tiêu dùng và người trồng mía để nâng cao tính ổn định và sức cạnh tranh của đường Việt Nam trong tương lai.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang