Thứ Năm, 02/05/2024 23:37:22 GMT+7

Tin đăng lúc 30-10-2023

Lượt xem: 291

Ngăn chặn lừa đảo, nhà mạng gọi đến khách hàng phải hiển thị định danh

Để ngăn chặn cuộc gọi lừa đảo, từ ngày 27-10, số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gọi đến người dân và cuộc gọi của các nhà mạng tới khách hàng đều phải hiển thị tên định danh.
Ngăn chặn lừa đảo, nhà mạng gọi đến khách hàng phải hiển thị định danh
Các nhà mạng gọi đến thuê bao khách hàng phải hiển thị tên nhà mạng.

Để phòng chống các cuộc gọi lừa đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) đã chỉ đạo Cục Viễn thông triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT-TT.

 

Cụ thể, kể từ ngày 27-10, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân từ các đơn vị thuộc Bộ gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện đều hiển thị tên định danh "BO TTTT". Việc này đã được các đơn vị thuộc Bộ TT-TT hoàn thành từ ngày 20-10.

 

Đồng thời, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Giải pháp này được đánh giá cũng sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

 

Cũng từ ngày 27-10, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng, như tên định danh VNPT, VinaPhone của nhà mạng VinaPhone, VIETTELCSKH của nhà mạng Viettel, FPT SHOP của nhà mạng FPT, hay LOCAL của nhà mạng ASIM…

 

Theo Bộ TT-TT, các số điện thoại gọi đến người dân mà đối tượng xưng danh là đơn vị thuộc Bộ hay doanh nghiệp viễn thông, nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo thì đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

 

Do vậy, khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ TT-TT là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

 

Bộ TT-TT cho biết thời gian vừa qua, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ TT-TT, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, nhà mạng viễn thông… gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân.

 

 Theo Bộ TT-TT, mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

 

Cục An toàn thông tin cho hay thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện tình trạng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo và lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao là 2 trong 24 hình thức lừa đảo phổ biến.

 

Trong chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến" được Bộ TT-TT phát động hồi trung tuần tháng 6-2023, với mục đích nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, Cục An toàn thông tin cũng đã có hướng dẫn về các dấu hiệu để nhận diện 24 hình thức lừa đảo phổ biến.

 

Đồng thời, cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.

 

Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có thêm các giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lừa đảo trên mạng.

 

Số liệu cập nhật hàng tuần của Cục An toàn thông tin nêu rõ mỗi tuần hệ thống canhbao.khonggianmang.vn do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia vận hành vẫn nhận được khoảng 300 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo. Trong đó, nhiều hơn cả là các trường hợp giả mạo ngân hàng, các cơ quan có thẩm quyền, sàn thương mại điện tử...

 

Theo NLĐ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang