Thứ Sáu, 26/04/2024 09:47:05 GMT+7

Tin đăng lúc 31-10-2019

Lượt xem: 2271

Nhiều giải pháp đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng tại Hà Nội

Xây dựng các mô hình chuẩn chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích… đó là những giải pháp mà TP Hà Nội đang triển khai để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng Thủ đô.
Nhiều giải pháp đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng tại Hà Nội
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP Hà Nội kiểm tra một cơ sở chế biến cung cấp thực phẩm tại quận Nam Từ Liêm

Trước thực trạng thực phẩm bẩn đang len lỏi vào từng mâm cơm của mỗi gia đình thì vấn đề làm thế nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mối lo hiện hữu. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn giữ thói quen “tiện đâu mua đấy”. Thậm chí, khi thấy thực phẩm được chế biến không bảo đảm an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng vì ham rẻ nên vẫn mua đã vô tình tiếp tay để thực phẩm bẩn có cơ hội “hoành hành”.

 

Từ thực tế đó,  lực lượng chức năng TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp trong công tác quản lý về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra được các cấp, các ngành tập trung có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu chế biến có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của chủ các cơ sở. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm đã tốt hơn.

 

Trong đó, có thể kể đến việc xây dựng các chợ đầu mối phân phối nông sản an toàn. Bởi thực tế, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân Thủ đô khá lớn, trung bình mỗi năm khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng, 54.000 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau các loại… Chính vì thế, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 6 chợ đầu mối cấp vùng, nâng tổng số lên là 8 chợ đầu mối, với diện tích từ 20-30 ha/chợ. Các chợ đầu mối này không chỉ tập trung ở khu vực cận đô, mà còn phát triển ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, hạ tầng giao thông đòng bộ kết nối với nội đô và các vùng phụ cận. Chợ đầu mối sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, có hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chế biến và kênh phân phối hiện đại; nông sản an toàn được kiểm soát từ các chợ đầu mối, sau đó mới đưa tới hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh…

 

Hà Nội hiện có khoảng 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm phân phối thực phẩm đảm bảo an toàn phủ khắp thành phố. Một số hệ thống lớn như: Hệ thống Vinmart có tổng số 42 siêu thị, hơn 750 cửa hàng tiện ích và đang tiếp tục phát triển, nhân rộng; hệ thống siêu thị Lan Chi 13 siêu thị; hệ thống Intimex có 6 siêu thị; hệ thống Coopfood có 41 cửa hàng tiện lợi; hệ thống Cricle K có 141 cửa hàng; hệ thống cửa Homefarm có 33 cửa hàng; hệ thống K-mart có 28 cửa hàng; hệ thống T-martstores có 36 cửa hàng...

 

Ngoài việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ đầu mối, TP Hà Nội còn tiến hành thực hiện việc kiểm soát chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích, qua đó cơ bản đã được kiểm soát tốt, đảm bảo ATTP. Các đơn vị quản lý theo quy trình chặt chẽ để đưa một sản phẩm vào kinh doanh, tiêu thụ, như bên cạnh việc kiểm tra đầy đủ hồ sơ chứng nhận bảo đảm ATTP, siêu thị còn phải cử nhân viên kiểm tra tình hình thực tế, từ khâu nuôi trồng, quy trình sản xuất đến khâu chế biến thực phẩm của doanh nghiệp.

 

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP cho nhân viên các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi kinh doanh thực phẩm, các ban quản lý chợ, hộ kinh doanh trong chợ thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý. Cùng với đó, đã tổ chức 76 lớp tập huấn kiến thức về ATTP; cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP đối với các doanh nghiệp, HTX thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên… Đồng thời, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm thực phẩm lưu thông trên thị trường thuộc phạm vi quản lý của ngành; xác minh, xử lý thông tin phản ánh về mất ATTP thuộc phạm vi quản lý.

 

Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phổ biến, hướng dẫn, khuyến khích nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các hộ nông dân áp dụng mã số, mã vạch và gắn tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào đó để lựa chọn thực phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình. Trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn rất cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý và của chính người tiêu dùng.

 

Bảo Kiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang