Thứ Bẩy, 27/04/2024 05:29:51 GMT+7

Tin đăng lúc 11-06-2016

Lượt xem: 2766

Nóng cho vay tiêu dùng

Thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua, với những cuộc cạnh tranh quyết liệt.
Nóng cho vay tiêu dùng
Ảnh minh họa

Thống kê từ StoxPlus cho thấy, nếu như cuối năm 2007, dư nợ vay tiêu dùng (bao gồm cả cho vay bất động sản của cá nhân và vay tiêu dùng, trả góp) chỉ chiếm khoảng 5 tỷ USD, thì con số này đã tăng gấp 3 lần sau 8 năm, lên mức 15,12 tỷ USD vào cuối năm 2015.

 

Ngày càng có nhiều người chơi nhập sân

 

Riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, 5 năm trước, tỷ trọng cho vay tiêu dùng, kể cả cho vay bất động sản với các đối tượng có nguồn trả nợ từ tiền lương, tiền công trên địa bàn chỉ chiếm 2,3% tổng dư nợ tín dụng, tương đương 16.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, tỷ trọng cho vay tiêu dùng đã tăng rất nhanh, lên mức 6,8% tổng dư nợ tín dụng, tương đương gần 90.000 tỷ đồng.

 

Phân tích của StoxPlus cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam bắt nguồn từ những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng và nhu cầu cao về tín dụng bất động sản của tầng lớp thu nhập trung bình. Việc chuyển thói quen vay mượn sang các công ty tài chính đã mang lại những chuyển biến tích cực. Ngành tài chính tiêu dùng ngày càng trở nên cạnh tranh với sự tăng trưởng mạnh số lượng các công ty mới tham gia thị trường. Chỉ riêng phân khúc cho vay tiêu dùng, vay trả góp của các công ty tài chính, tại hệ thống Thế giới di động và FPT Shop, hiện đã có ít nhất 4 công ty tài chính tham gia gồm: FE Credit, Home Credit, HD Sài Gòn và ACS.

 

Với dân số hơn 90 triệu người, phân khúc cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá rất hấp dẫn nên cả công ty tài chính và ngân hàng thương mại đều chạy đua trong thị trường này, nhất là cho vay trả góp.

 

Năm 2015, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ mua lại các công ty tài chính tiêu dùng từ ngân hàng thương mại cổ phần cũng như sự tăng trưởng nhanh của các công ty tài chính như FE Credit, Home Credit… Chỉ trong năm ngoái, có tới 5 thương vụ ngân hàng thương mại mua lại công ty tài chính như Ngân hàng Quân Đội (MB) mua lại Công ty Tài chính Sông Đà, SHB mua lại Công ty Tài chính Vinaconex – Viettel, Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính Dệt May hay Techcombank mua lại Công ty Tài chính Hóa chất Việt Nam…

 

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới, do tại mùa đại hội cổ đông năm 2016, nhiều ngân hàng cũng xin ý kiến cổ đông về chủ trương mua lại hoặc thành lập công ty tài chính. Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, việc sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex – Viettel vào SHB nằm trong chiến lược phát triển để đến năm 2020 SHB trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng hàng đầu Việt Nam. Công ty Tài chính tiêu dùng SHB sau sáp nhập sẽ đáp ứng mảng hoạt động rất quan trọng là bán lẻ tiêu dùng và hiện một số đối tác nước ngoài cũng đã đặt vấn đề hợp tác với ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động của công ty tài chính này.

 

Một số ngân hàng thương mại khác cũng đang tính chuyện lập công ty tài chính để tham gia cuộc đua này. Trong một báo cáo triển vọng kinh tế, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, quy mô dư nợ khoảng 6 tỷ USD (riêng phân khúc cho vay tiêu dùng, vay trả góp), lãi suất cho vay lên đến 20-50%/năm và không chịu rủi ro tập trung thì vay tiêu dùng là một phân khúc rất hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại.

 

Sức ép từ nhà phân phối

 

Theo ông Lê Đức Thuần, Giám đốc Ngành hàng dịch vụ FPT Retail (một đơn vị hợp tác với nhiều công ty tài chính), trước đây khi quy mô của các hệ thống bán lẻ điện thoại di động, siêu thị điện máy chưa lớn, các công ty tài chính cho vay trả góp hoạt động nhiều ở các cửa hàng nhỏ lẻ nên tiếng nói của những nhà phân phối này có phần yếu ớt. Nay, hệ thống phân phối bán lẻ của các đơn vị như FPT Shop, Thế giới di động… phát triển ngày càng lớn, khiến tiếng nói của nhà phân phối với các đơn vị tài chính cho vay trả góp có sức nặng hơn. Các nhà phân phối thường xuyên ngồi lại với các công ty tài chính để yêu cầu họ nâng cấp chất lượng dịch vụ, đánh giá lại hồ sơ khách hàng… để giảm rủi ro khoản vay, từ đó kéo giảm lãi suất.

 

Dạo một vòng quanh các hệ thống siêu thị điện thoại như FPT Shop, Thế giới di động…đều thấy có nhân viên của các công ty tài chính tư vấn tại chỗ cho khách hàng và sẵn sàng ký hợp đồng cho vay trả góp. Hiện mức lãi suất phổ biến từ 22-25%/năm cho khách hàng vay mua trả góp với điều kiện người vay có hộ khẩu, CMND, hóa đơn điện, nước hoặc hợp đồng bảo hiểm. Nếu người vay chỉ có hộ khẩu, bằng lái xe hoặc CMND, lãi suất sẽ cao hơn, khoảng 50%/năm.

 

Ông Lê Đức Thuần cho biết, chỉ riêng tại hệ thống FPT Shop, năm ngoái số lượng khách hàng mua sản phẩm sử dụng vay tài chính tăng trưởng 100% so với cùng kỳ và 30% doanh số đến từ các hợp đồng tín dụng trả góp. Mảng bán hàng trả góp trong quý I/2016 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự bắt tay của cả nhà phân phối và công ty tài chính, qua đó giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng.

 

Sức ép từ cạnh tranh, từ nhà phân phối buộc các công ty tài chính phải liên tục đưa ra sản phẩm mới để thu hút khách. Chẳng hạn, Công ty Tài chính HD Saison (công ty con của HDBank) cho vay giáo dục, FE Credit phát hành thẻ tín dụng hoặc Home Credit tập trung cho vay với lãi suất 0% cho một vài sản phẩm (năm ngoái, các khoản vay có lãi suất 0% chiếm tới 70% tổng số sản phẩm cho vay của công ty này).

 

Bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam cho rằng, hiện lãi suất cho vay của các công ty tài chính đã giảm đi khá nhiều, một phần là do sự cạnh tranh và do thị trường cho vay tiêu dùng đã phát triển lên một cấp độ mới. Người dân đã quen với các sản phẩm cho vay của các công ty tài chính, cơ sở dữ liệu về khách hàng ở thị trường Việt Nam cũng đã tương đối đầy đủ. Mức lãi suất cho vay cũng giảm xuống rất nhiều, đặc biệt là xuất hiện sản phẩm cho vay ở mức 0% – một sản phẩm chưa hề có tại thị trường cách đây 5 năm.

 

Lo “hiện tượng Uber” trong ngành tài chính

 

Theo StoxPlus, người Việt đã vay tiêu dùng hơn 15 tỷ USD tính đến năm ngoái.

 

Đáng lưu ý, nghiên cứu của StoxPlus chỉ ra rằng, có một thách thức lớn mà các công ty tài chính truyền thống phải đối mặt là Fintech (thuật ngữ dùng để miêu tả các công ty ứng dụng công nghệ tân tiến trong ngành như MoMo, Payoo, BankPlus, 123Play hay LoanVi, Timo…). Đây là những ứng dụng thanh toán trên điện thoại được sử dụng phổ biến bởi các công ty tài chính tiêu dùng.

 

Dù hiện tại, các công ty Fintech chỉ cung cấp phần mềm thanh toán và một số các hoạt động cho vay giới hạn, nhưng họ đang được dự báo sẽ trở thành một mối “đe dọa” đối với các công ty tài chính tiêu dùng truyền thống.

 

Bằng việc tận dụng các lợi thế cạnh tranh như mạng lưới dày đặc và cơ sở dữ liệu khách hàng rộng lớn, các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán như MoMo, Payoo hay BankPlus có rất nhiều động lực để gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng. Vì vậy, các công ty tài chính tiêu dùng không làm chủ được công nghệ tiên tiến rất có thể sẽ tụt lại phía sau trong vài năm tới.

 

Hiện nay, khi nói về những ví dụ thành công trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào kinh doanh, người ta thường lập tức nghĩ đến Uber hay Amazon. Để trở thành một “hiện tượng Uber” trong ngành tài chính tiêu dùng, các công ty Fintech cần phải vượt qua nhiều thử thách, bao gồm việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu, giành lấy niềm tin ở khách hàng, trong bối cảnh khung khổ pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này chưa thật sự rõ ràng .

 

Theo Phương Nga/Báo diễn đàn doanh nghiệp


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang