Thứ Hai, 29/04/2024 03:32:49 GMT+7

Tin đăng lúc 25-08-2023

Lượt xem: 579

Phản hồi tích cực từ các cơ sở công nghiệp nông thôn sau khi được thụ hưởng chính sách khuyến công

Xác định rõ việc phát triển CNNT sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH địa phương, do vậy, từ nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến công và TVPTCN Thái Nguyên (TTKC) đã không ngừng nhân rộng công tác hỗ trợ DN, cơ sở công nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Đặc biệt, thông qua việc được tiếp cận nguồn vốn khuyến công, các cơ sở CNNT đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KH - KT mới, qua đó giúp nâng cao hiệu suất lao động và có những bước tiến vững chắc trong việc chinh phục thị trường.
Phản hồi tích cực từ các cơ sở công nghiệp nông thôn sau khi được thụ hưởng chính sách khuyến công
TTKC Thái Nguyên nghiệm thu máy đóng gói trà túi lọc tam giác của Công ty CP Nông sản Thái Nguyên

Đơn cử, chỉ tính riêng trong năm 2022 vừa qua, TTKC Thái Nguyên đã triển khai hàng loạt các đề án hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh như: Hỗ trợ 01 máy ép nhiệt cho Công ty TNHH Sản xuất ván ép Thành Phú; 02 máy chà nhám cho Công ty TNHH Mừng Hằng An Bình và Công ty TNHH Thương mại Vân Huyền PLYWOOD; 02 máy chốt hộp và 02 máy cưa ripsaw cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lộc Thịnh; 01 máy ép nhiệt cho Công ty TNHH PLY WOOD Sơn Hà. Ngoài ra, TTKC Thái Nguyên còn hỗ trợ 01 máy tán đinh chốt cho Công ty TNHH Sông Công Sourcing; 01 máy xén thủy lực cho Công ty TNHH Kết cấu thép Hoàng Triều; 01 máy đóng gói túi lọc tam giác cho Công ty Cổ phần nông sản Thái Nguyên; 02 máy sấy thăng hoa cho Công ty CP Khoa học sự sống; 01 máy đóng gói trà tự động, 02 máy xào gas và 01 máy đóng gói hút chân không cho Hợp tác xã Tâm Trà Thái. Mặt khác, TTKC Thái Nguyên còn tăng cường hỗ trợ kinh phí đưa các sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố; Tham dự Hội nghị công tác khuyến công, Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh phía Bắc do Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức…

         

Ông Đặng Tuấn Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH Sông Công SOURCING (KCN Sông Công 1, phường Bách Quang, Tp Sông Công) cho biết: Khi thành lập vào cuối năm 2019, Công ty chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2022 vừa qua, doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ TTKC Thái Nguyên khi đã hỗ trợ hơn 290 triệu đồng để Công ty mua mới máy tán đinh chốt. Với hệ thống máy móc này đã giúp Sông Công SOURCING nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất và tạo ra được những sản phẩm cơ khí có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tăng năng suất tạo ra sản phẩm. Qua đó, góp phần làm giảm giá thành, cũng như đáp ứng được các đơn hàng lớn phục vụ khách hàng. Mặt khác, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn của máy giảm đi rất nhiều, từ đó cải thiện điều kiện làm việc của công nhân; tiết kiệm điện năng… Qua đó, đã giúp doanh nghiệp có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 

         

 

Nghiệm thu máy tán đinh của Công ty TNHH Sông Công SOURCING

 

Còn đối với Hộ kinh doanh Dương Thế Trường (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình), thông qua nguồn kinh phí 185 triệu đồng được TTKC Thái Nguyên hỗ trợ, đơn vị đã mạnh dạn bỏ ra thêm 285 triệu đồng để đầu tư mua mới 02 máy điêu khắc gỗ CNC hiện đại (một máy có 08 đầu khắc và một máy có 10 đầu khắc). “Sau một năm ứng dụng hệ thống máy móc mới, tôi thấy hiệu quả đem lại rõ rệt. Máy vận hành hoàn toàn tự động thông qua hệ thống máy vi tính để gia công các loại gỗ có kích thước lớn, tạo ra các sản phẩm gỗ có độ chính xác cao; Năng suất lao động tăng lên gấp hàng chục lần so với sản xuất thủ công và tỷ lệ sai hỏng sản phẩm gần như bằng không. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn của máy giảm đi rất nhiều, qua đó, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; Tiết kiệm điện năng, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Toàn bộ các sản phẩm do chúng tôi làm ra đều đảm bảo mẫu mã, có chất lượng cao và được đông đảo khách hàng trong nước tin dùng…” – Ông Dương Thế Trường, Chủ hộ kinh doanh cho biết thêm.

         

Cũng là một trong những cơ sở CNNT nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công, ông Nguyễn Văn Tỵ - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ xóm Khe Cốc (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) chia sẻ: Thông qua hệ thống máy vò chè hiện đại do TTKC Thái Nguyên hỗ trợ đã giúp Tổ hợp tác sản xuất của chúng tôi nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất, cũng như tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm chè làm ra, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Đến nay, chúng tôi đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đồng thời có khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn; tạo ra giá trị lợi nhuận cao cho cơ sở sản xuất và tăng khả năng đóng góp cho ngân sách địa phương”.

         

Có thể thấy rằng, các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong suốt thời gian qua đã góp phần huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT theo mục tiêu, định hướng của tỉnh. Khi CNNT được chú trọng đã mang lại hiệu quả KT-XH đáng kể, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gắn với nhu cầu của các cơ sở sản xuất đang góp phần tạo ra việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, phát triển đời sống văn hóa, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và gia tăng giá trị sản xuất.

         

Ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc TTKC Thái Nguyên khẳng định: "Đến nay, theo đánh giá của Trung tâm, toàn bộ các đề án hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều đạt yêu cầu về tính hiệu quả. Cụ thể, các đơn vị đã nâng cao được tính chủ động trong khâu sản xuất và tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Ngoài ra, các đề án đã tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời, khuyến khích được các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn đổi mới đầu tư dây chuyền công nghệ cao, máy móc hiện đại vào sản xuất. Đặc biệt, điều này đã gia tăng đóng góp cho ngân sách địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo an ninh, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh".

         

Có thể khẳng định rằng, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong suốt thời gian qua đã góp phần hết sức quan trọng trong công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng CNH – HĐH. Do vậy, thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của tập thể CBCNV, Trung tâm rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực từ phía Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương và lãnh đạo UBND tỉnh trong việc tăng cường nguồn kinh phí khuyến công từ ngân sách trung ương và địa phương. Qua đó, nâng mức hỗ trợ cho một số nội dung khuyến công để hoạt động ngày một hiệu quả hơn, có sức lan tỏa hơn nữa đến các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang