Thứ Năm, 02/05/2024 09:54:40 GMT+7

Tin đăng lúc 17-08-2017

Lượt xem: 4011

Phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đầy lạc quan và triển vọng

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 đã đạt những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng quý II cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu tăng cao...
Phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đầy lạc quan và triển vọng
Tốc độ phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều khởi sắc

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi thì kinh tế trong nước đã có những cải thiện rõ nét và nhiều tín hiệu khả quan hơn. Nhờ các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc.

 

Ngay từ đầu năm 2017, các bộ, ngành và địa phương đã tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp; chủ động triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2017. Sau khi Chỉ thị số 24/CT – TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các đơn vị từ Trung ương tới địa phương đã quán triệt nghiêm túc tới từng đơn vị trực thuộc về nội dung của Chỉ thị, khẩn trương ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm để nỗ lực thực hiện, quyết tâm đạt mục tiêu đề ra.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đã có nhiều khởi sắc, trong đó tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 5,73%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, quý II/2017 đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước thực hiện đạt khoảng 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Cơ cấu lao động tiếp tục có sự chuyển dịch giữa các ngành, số người được giải quyết việc làm ước khoảng 790 nghìn người. Một số lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% thấp hơn mức tăng 4,96% của quý I, CPI tháng 6/2017 tăng 0,2% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 1.52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016 đã cho thấy lạm phát đang có xu hướng giảm dần và duy trì ở mức hợp lý, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

 

Đặc biệt, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh, tạo tín hiệu tích cực, hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng như hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm và các năm tăng theo. Trong đó lĩnh vực được đầu tư, lĩnh vực chế biến, chế tạo thu hút được 9,48 tỷ USD chiếm tỷ trọng cao nhất, trong đó Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước với 15,9%.

 

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành 6 tháng tăng 0,4% so với tháng 5 và tăng 8,6 % so với cùng kỳ 2016, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5%, cao hơn mức tăng chung từ năm 2013 đến nay, trong đó khu vực dịch vụ là khu vực năng động nhất, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.

 

Trong bối cảnh gia tăng bảo hộ thương mại của thị trường thế giới, nhất là Mỹ thì tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đã tăng trưởng khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 97,78 tỷ USD tăng 12,9% nhờ xuất khẩu các mặt hàng như điện tử, dệt may, da giày… Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 100,47% trong 6 tháng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp cũng tiếp tục được cải thiện với 61,3 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập trong 6 tháng đầu năm, với số vốn đăng ký đạt khoảng 597 nghìn tỷ đồng, cổ phần hóa 20 DN nhà nước. Bên cạnh đó còn có trên 15,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN gia nhập thị trường lên trên 76,6 nghìn DN kể từ đầu năm đến nay.

 

Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực hơn, yếu tố khó lường có dấu hiệu giảm xuống, đồng nghĩa với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế trong nước phát triển. Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế cơ bản đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, trong 6 tháng, Việt Nam xếp hạng 47/127 quốc gia/nền kinh tế có đổi mới về sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc so với năm 2016, đây là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Chính vì thế, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ có nhiều triển vọng, tăng trưởng tích cực nhờ các yếu tố thuận lợi của nền kinh tế như môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đăng ký doanh nghiệp thành lập tiếp tục tăng cao; nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết chuẩn bị có hiệu lực….

 

Bên cạnh những mặt thuận lợi, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn các mặt hạn chế, khó khăn và thách thức như việc tiêu thụ một số nông sản còn khó khăn, giá bán giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất; tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ; sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc… Để hạn chế và giải quyết những khó khăn còn tồn tại, Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Đó là 05 nhóm giải pháp về: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; Thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành, lĩnh vực; Mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước, kiểm soát nhập khẩu phù hợp tiến tới cân bằng thương mại bền vững; Huy động các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền... Trong đó mỗi nhóm giải pháp đều đưa ra các biện pháp, chương trình hành động cụ thể. Chính vì thế, nhiệm vụ của các tháng cuối năm vẫn hết sức nặng nề, để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6,7% theo chỉ tiêu thì 6 tháng cuối năm 2017 phải tăng khoảng 6,29%. Vì vậy, các cấp, các ngành cần phải quyết tâm, nỗ lực và hành động quyết liệt hơn nữa, nhằm thực hiện mục tiêu, giải pháp đã đề ra để khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

 

Tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, đoàn kết, đồng thuận về tư tưởng, nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhất định sẽ tranh thủ được thuận lợi, vượt qua được thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang