Thứ Bẩy, 27/04/2024 02:08:00 GMT+7

Tin đăng lúc 23-07-2016

Lượt xem: 2742

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên: Cần có lộ trình

Thời gian gần đây cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu trên cả nước, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với việc hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) trên vùng đất này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên: Cần có lộ trình
Vườn thực nghiệm dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của huyện Cư’Mgar tỉnh Đắk Lắk

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thì chỉ có tỉnh Lâm Đồng tiên phong trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp và đã phát huy hiệu quả, các tỉnh còn lại chỉ mới bắt đầu tiếp cận, do đó việc sản xuất nông nghiệp CNC chưa mang tính đột phá của toàn khu vực.

 

Có một số khó khăn, vướng mắc cản trở việc phát triển nông nghiệp CNC ở Tây Nguyên, đó là: Chưa xây dựng được bộ tiêu chí chung về nông nghiệp ứng dụng CNC để có thể áp dụng cho nhiều đối tượng sản xuất ở nhiều vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau; chính sách ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế, nên chưa thu hút được các nguồn lực…; chưa có mô hình rõ nét về ứng dụng CNC trong sản xuất mà chỉ mới là mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật.

 

Trên thực tế, nông nghiệp CNC chưa được sự quan tâm đầu tư một cách đúng mức; chưa có các quy hoạch chiến lược; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và dàn trải, kém hiệu quả. Không chỉ vậy, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cũng không nhiều, chưa được đào tạo một cách cơ bản; chưa phát triển dịch vụ và nghiên cứu phát triển CNC trong nông nghiệp; đất đai sản xuất nông nghiệp chủ yếu là của nông dân, phần lớn diện tích còn nhỏ lẻ, phân tán nên chưa có nhiều những tổ chức hợp tác nông dân lớn, để cung cấp tập trung một số lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều nên việc đầu tư ứng dụng CNC, công nghệ chế biến bảo quản nông sản còn hạn chế do thiếu vốn và nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm ra còn thấp.

 

Theo các chuyên gia, để phát triển nông nghiệp CNC khu vực Tây Nguyên cần có những hướng đi và lộ trình xây dựng. Trước tiên, cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền; công tác quy hoạch phát triển; bố trí đất đai, đây là cơ sở ban đầu để thu hút đầu tư lớn và khuyến khích phát triển. Tiếp đến là việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp CNC gắn với hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp CNC và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là các sản phẩm có lợi thế so sánh và cạnh tranh cao của khu vực.

 

Ngoài ra, cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các khu và vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên hiện trạng đang có và theo định hướng quy hoạch chuyên canh, từng bước nghiên cứu phát triển mô hình nông nghiệp CNC trên cơ sở xác định loại cây trồng cụ thể, quy mô sản xuất, phương thức tổ chức sản xuất phù hợp; chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt đón đầu, nhất là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch… xây dựng và thực hiện các chương trình trình diễn, hướng dẫn nhân dân ứng dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

 

Khu vực Tây Nguyên đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại tỉnh Lâm Đồng; tỉnh Kon Tum đang xây dựng đề án và trình Thủ tướng thành lập khu nông nghiệp CNC tại huyện Kon Plông với quy mô 100 - 150 ha; nhiều tỉnh đã hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang