Thứ Bẩy, 27/04/2024 07:02:21 GMT+7

Tin đăng lúc 16-05-2017

Lượt xem: 3510

Rượu không rõ nguồn gốc: Hậu quả khó lường

Hiện nay, rượu giả, rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc vẫn đang lưu hành tràn lan trên thị trường. Điều này gây nhiều ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi các cơ quan chức năng đang ráo riết, siết chặt quản lý nạn buôn bán rượu giả thì hàng loạt vụ ngộ độc rượu vẫn diễn ra trên nhiều địa phương, kể cả thủ đô Hà Nội. Hàng chục người phải vào viện cấp cứu, nhiều người đã tử vong vì uống phải rượu chứa nhiều độc tố methanol.
Rượu không rõ nguồn gốc: Hậu quả khó lường
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến chống rượu giả

Chưa có một con số thống kê chính xác nào về số lượng rượu lậu, rượu giả trên thị trường hiện nay, nhưng thực tế những vụ việc bắt giữ rượu giả, rượu lậu thời gian qua đã cho thấy thị trường rượu giả, rượu lậu đang diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi và ngày càng khó kiểm soát. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là xuất phát từ lợi nhuận cao mà một số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ đã sử dụng các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, cồn công nghiệp để pha chế rượu rồi tung ra thị trường, gây nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng không thể nhận biết được đâu là rượu an toàn và không an toàn, kết quả là dẫn đến ngộ độc rượu do nồng độ methanol vượt quá mức quy định.

         

Dẫn chứng bằng vụ ngộ độc rượu tại huyện Phong Thổ, Lai Châu diễn ra vừa qua đã làm 9 người tử vong và hàng chục người phải nhập viện. Và mới đây nhất là 7 sinh viên đang học tại Hà Nội cùng được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì dùng phải rượu giả. Khi xét nghiệm các nạn nhân đều thấy nồng độ methanol trong máu cao; kết quả xét nghiệm các mẫu rượu có methanol cũng cao gấp hàng nghìn lần cho phép. Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thì nguyên nhân ngộ độc là do: Rượu pha cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần cho phép, khi vào cơ thể, chất cồn này được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải sau 12 giờ hoặc thậm chí 1 – 2 ngày sau khi uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chập chạp, hôn mê …; khi đó, tình trạng của bệnh nhân đã rất nặng và nguy hiểm đến tính mạng”. 

           

Trước vấn nạn rượu giả, rượu chứa methanol độc hại đang bán tràn lan trên thị trường, mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành tăng cường giám sát và có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh rượu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu trên toàn quốc. Đặc biệt là hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với rượu do người dân tự nấu, tự sản xuất, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, kể cả với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công.

           

Để cuộc chiến chống rượu giả được đẩy lùi, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành và cơ quan chức năng, thiết nghĩ mỗi người cần phải tự nâng cao nhận thức về tiêu dùng như không sử dụng các loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng cần phải nâng cao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng bằng cách mỗi sản phẩm rượu khi xuất xưởng đưa ra thị trường phải đảm bảo chất lượng; tăng cường công tác tuyên truyền, mở rộng phân phối điểm bán hàng chính hãng… để người tiêu dùng dễ nhận biết. Có như vậy, nạn rượu giả, rượu lậu, sẽ không còn nơi để tồn tại, sức khỏe của người dân sẽ được đảm bảo hơn.

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang