Thứ Năm, 02/05/2024 14:02:44 GMT+7

Tin đăng lúc 12-07-2017

Lượt xem: 6279

Sáu tháng đầu năm 2017: Hà Nội bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Chiều 11/7, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389/TP) Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Sáu tháng đầu năm 2017: Hà Nội bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức hoạt động và thủ đoạn tinh vi. 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 19.057 vụ, xử lý 12.162 vụ, tăng 1.033 vụ so với cùng kỳ năm ngoái và đã khởi tố hình sự 42 vụ đối với 48 bị can. Trong đó, hàng cấm nhập lậu là 1.584 vụ, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ là 892 vụ, gian lận thương mại 9,686 vụ. Tổng thu nộp ngân sách 1.569,577 tỷ đồng, tăng 172,53 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, tập trung vào các mặt hàng: Tiêu dùng, điện tử, quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm, mỹ phẩm, dụng cụ thể dục thể thao…

 

Đáng chú ý là, lợi dụng sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và sự thiếu hiểu biết và chưa được cập nhật kiến thức, thông tin đầy đủ của người dân trong phân biệt hàng thật, hàng giả nên các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam, hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ cao và cung cấp ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khoẻ của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

 

Tình trạng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, tê tê qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày càng tinh vi. Trước đây, các mặt hàng này chủ yếu được vận chuyển từ châu Phi về Việt Nam, nhưng gần đây, các đối tượng buôn lậu đã đánh lạc hướng lực lượng chắc năng, chuyển từ các nước ít bị nghi ngờ nhất như từ châu Âu về Hà Nội. 

 

Ngoài ra, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu đã thu mua một số mặt hàng hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng để tẩy xoá, sửa lại nhằm kéo dài hạn sử dụng đưa ra tiêu thụ tại các vùng sâu, vùng xa ngoại thành Hà Nội. Một số đối tượng khác thường xuyên lén lút vận chuyển các mặt hàng ế thừa, cận hạn và hết hạn sử dụng có giá rẻ nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ như bánh kẹo, củ quả, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm… 

 

Ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý. Theo ông Kiên, hiệu quả công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ phụ thuộc rất lớn từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền sản xuất Việt Nam còn chưa đủ mạnh, phần đông doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, có ít doanh nghiệp có thương hiệu lớn. Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với cơ quan chức năng còn chưa được thường xuyên. Chính vì thế cần sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao. 

 

Theo BCĐ 389/TP, từ nay đến cuối năm 2017, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2018, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên đây là dịp các đối tượng thường đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, vì thế các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 thành phố cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, hoạt động sản xuất, buôn bán rượu, thuốc lá, thức ăn đường phố… Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành  mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang