Thứ Bẩy, 27/04/2024 05:08:05 GMT+7

Tin đăng lúc 04-01-2021

Lượt xem: 2739

Tác động của tự động hóa: Nhìn từ doanh nghiệp Việt Nam

Tự động hóa là giải pháp tối ưu trong sản xuất, kinh doanh và thực tế đã chứng minh ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi theo xu hướng này thì DN cũng phải giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tác động của tự động hóa: Nhìn từ doanh nghiệp Việt Nam
Dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại của Rạng Đông thân thiện môi trường

Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế Thế giới, trong 04 năm tới, sự phát triển khoa học công nghệ được thay thế 75 triệu việc làm và tạo ra 133 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 sau Indonesia có số lượng người lao động bị tác động do công nghệ và tự động hóa trong khu vực ASEAN với 75% lao động ngành điện tử và 86% trong ngành may mặc, giầy dép gặp rủi ro bởi tự động hóa. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa chứng kiến tác động của công nghệ ở mức độ mạnh mẽ như một số nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN, tuy nhiên, điều này được dự đoán là không xa.

 

Theo ông Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam cho biết: Bước sang kỷ nguyên mới, nền công nghệ 4.0, tự động hóa vẫn là công nghệ cốt lõi, bởi vì, nó tích hợp tất cả các công nghệ chủ yếu của thời đại số như: Công nghệ Intenet vạn vật; Cơ sở dữ liệu lớn; Trí tuệ nhân tạo. Tất cả các công nghệ này nó được tích hợp để phục vụ cho tự động hóa. Có thể nói, tự động hóa len lỏi vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt, trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao sức lao động, chất lượng sản phẩm. Khi mà toàn bộ nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số thì tự động hóa vẫn là một công nghệ hết sức quan trọng cho nền kinh tế.

 

Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng GĐ Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông – một trong những DN hàng đầu ở Thủ đô Hà Nội chia sẻ: Xuất phát điểm của Công ty là thời kỳ i2.0, cho nên, muốn tiếp cận với nền công nghiệp i4.0 thì việc đầu tiên phải tự động hóa dây chuyền sản xuất. Quá trình tự động hóa, Công ty đã làm từng bước một, ở những khâu thủ công thì chế tạo những cánh tay máy để thực hiện, ở những dây chuyền mà có tự động hóa nhất định thì kết nối thành một dây chuyền liên hoàn, từ vật tư đầu vào đến sản phẩm đầu ra chỉ trong vòng 05 phút đã có được sản phẩm hoàn chỉnh để đưa ra thị trường.

 

Theo ông Nguyễn Quân, khi sử dụng công nghệ và tự động hóa sẽ làm thay đổi cả hệ thống quản lý và hệ thống xã hội. Các DN khi đưa công nghệ tự động hóa vào sản xuất, thì bên cạnh việc nâng cao năng suất lao động, nó làm thay đổi toàn bộ hiện trạng của nền sản xuất. Người công nhân sẽ được trang bị những kiến thức mới, có thể sử dụng được các thiết bị mới của thời đại số, rồi năng suất lao động tăng, giá trị gia tăng trong sản xuất sẽ cao hơn, nó gián tiếp nâng cao trình độ sản xuất của các DN trong hội nhập quốc tế được thuận lợi.

 

Bên cạnh việc mang lại những cơ hội chắc chắn cũng sẽ tạo ra những thách thức đối với những ngành nghề và những đối tượng nhất định, nếu họ không thay đổi thì sẽ bị đào thải và đây là khó khăn rất lớn. Trước đây, sản xuất mang tính thủ công, những người công nhân trong dây chuyền chỉ cần một kiến thức nhất định, còn hiện nay, sản xuất theo dây chuyền tự động hóa trình độ cao thì người công nhân vận hành dây chuyền đó phải có trình độ cao hơn để có thể duy tu, bảo dưỡng, thiết kế, vận hành tất cả máy móc đã có trí tuệ nhân tạo, công nghệ internet vạn vật điều khiển theo một chuỗi giá trị.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đoàn Thăng cũng cho rằng, xu hướng tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất sẽ mang lại lợi ích cho DN và cho xã hội. Tự động hóa nâng cao được sức lao động, giảm chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm nhưng còn phải giải quyết đồng bộ hơn. Theo Quyết định số: 749/QĐ-TTg 2020 của Chính phủ về chương trình Quốc gia chuyển đổi số đến năm 2025, thì Nhà nước phải hỗ trợ cho các DN truyền thống chuyển sang sản phẩm tích hợp số, giúp cho các DN có quy trình sản xuất được tự động hóa, được số hóa, đồng thời phải kinh doanh trên nền tảng số và phát triển thương mại điện tử. Để thực hiện việc đó, thì tiêu thụ sản phẩm của DN sẽ tăng lên gấp ba lần. Tự động hóa nâng cao năng suất lao động là rất quan trọng, nhưng cùng lúc phải thực hiện chuyển đổi số thì mới đồng bộ và hiệu quả.

 

Trong thời kỳ hội nhập toàn diện như hiện nay, các DN Việt Nam không chỉ cạnh tranh nhờ vào lao động nhân công rẻ, giá thành thấp; chìa khóa để các DN rút ngắn khoảng cách, tạo ra sự cạnh tranh mới trong một thế giới phẳng, hội nhập chỉ có thể là khoa học công nghệ. Cụ thể là ứng dụng công nghệ tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh của DN mình. Ông Nguyễn Hoàng Kiên – Quản đốc Xưởng LED Điện tử và Thiết bị chiếu sáng, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: Hiện nay, Công ty đã ứng dụng dây chuyền tự động hóa trong sản xuất. Trước đây, nếu sản xuất thủ công cần 27 lao động để làm ra 5.000 sản phẩm, thì khi tự động hóa chỉ cần 17 lao động và sản lượng của DN đã tăng lên gấp đôi, năng suất lao động tăng lên gấp 03 lần. Mặt khác, khi chúng ta ứng dụng tự động hóa, DN sẽ tìm bài toán cho tiêu thụ sản phẩm, bố trí việc làm cho người lao động dôi dư và câu trả lời cho bài toán ở đây chính là đầu tư, nâng cao trình độ cho người lao động. Việc thay thế các dây chuyền tự động hóa vào sản xuất, thì người công nhân làm quen rất nhanh với các thiết bị mới, ít bỡ ngỡ.

 

Theo lãnh đạo DN này cho biết: Trong 05 năm tới, năng suất lao động sẽ được đầu tư tăng gấp 04 lần so với hiện nay, nhưng số lao động không tăng, DN cũng cam kết không để lao động nào nghỉ việc. Hàng năm, đơn vị dành 2% doanh thu đầu tư, trang bị các dây chuyền hiện đại; 20% lợi nhuận sau thuế đầu tư cho các hoạt động nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học.

 

 Từ kinh nghiệm ứng dụng tự động hóa của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, có thể thấy rằng, một DN muốn sản xuất hiện đại và phát triển được, luôn phải xây dựng cho mình một kế hoạch đổi mới khoa học công nghệ và giải quyết bài toán thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện song song và hiệu quả hai việc này, sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

 

Thu Hằng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang