Thứ Bẩy, 27/04/2024 09:42:51 GMT+7

Tin đăng lúc 05-05-2017

Lượt xem: 4800

Thái Nguyên: Công tác khuyến công đã hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp

Từ nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Khuyến công) tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp của Chính phủ tới các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động, phát triển đời sống văn hóa – xã hội cho người dân.
Thái Nguyên:  Công tác khuyến công đã hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp
Sản xuất chè xuất khẩu tại Hợp tác xã chè Tuyết Hương (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên)

Năm 2016, Khuyến công Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tổ chức triển khai và hoàn thành 25 đề án với tổng kinh phí thực hiện gần 4,8 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Xây dựng mô hình, trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu; tổ chức đào tạo, tập huấn về khởi sự quản trị doanh nghiệp cho các cơ sở CNNT; tổ chức tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm về sản xuất kinh doanh, hoạt động khuyến công, phát triển làng nghề tại một số tỉnh bạn; bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; du nhập nghề, phát triển làng nghề mới. Kinh phí  khuyến công luôn được ưu tiên dành cho công tác đào tạo nghề, truyền nghề, dạy nghề và nâng cao tay nghề, tạo việc làm cho người lao động nông thôn.

               

Nhìn chung, hoạt động khuyến công thông qua các hình thức hỗ trợ đã giúp các cơ sở, DN tiếp cận và thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, từ đó khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất. Nhiều đơn vị sau khi nhận được sự hỗ trợ từ các đề án khuyến công đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên rõ rệt, mở rộng thị trường và trên hết là giải quyết được việc làm cho lao động địa phương.

 

Điển hình là Hợp tác xã (HTX) chè Tuyết Hương (xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ), khi mới thành lập, HTX chưa có máy móc, trang thiết bị hiện đại nên tất cả việc chế biến chè vẫn được thực hiện tại mỗi gia đình thành viên với công nghệ thủ công, công suất nhỏ, năng suất không cao, sản lượng chỉ đạt khoảng 20 tấn/năm. Năm 2013, thông qua Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Hỷ, HTX được hỗ trợ 01 máy hút chân không trị giá 100 triệu đồng (trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 50%). Tiếp đó, năm 2016, HTX tiếp tục được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 01 máy sao chè bằng gas với kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng. Với hệ thống mới này, mỗi mẻ có thể sao được 12kg chè khô, nhiều gấp 4 lần so với máy thủ công bình thường, sản lượng chè thành phẩm đạt 40 tấn/năm. Bên cạnh đó, chất lượng chè cao hơn hẳn do điều chỉnh được nhiệt độ, chè không bị ám khói, bụi và giảm tỷ lệ chè bị gãy thành chè cám; nước chè trong hơn, thơm và đậm hơn. Với đầy đủ những thiết bị công nghệ hiện đại có thể đáp ứng được yêu cầu cho một quy trình sản xuất khép kín, bắt đầu từ năm 2017, HTX thực hiện chế biến tập trung từ khâu sơ chế đến khi ra thành phẩm, đảm bảo việc giám sát cũng như đồng đều về chất lượng của sản phẩm ngày càng được nâng cao.

           

Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX chè Tuyết Hương cho biết: “Một HTX mới thành lập như chúng tôi, đầu tư được máy móc thiết bị hiện đại quả là rất khó khăn. Sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã giúp HTX có thêm động lực để đầu tư thiết bị. Đến nay, chúng tôi đã sắm sửa được những máy móc hiện đại để phục vụ công việc chế biến sản phẩm chè. Qua đó, sản phẩm chè của HTX đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường”.

           

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả, năm 2017 và các năm tiếp theo, Khuyến công Thái Nguyên sẽ tập trung hỗ trợ cho các chương trình như: đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; nâng cao năng lực quản lý; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm nông thôn tiêu biểu; phát triển hoạt động tư vấn cung cấp thông tin; liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế phát triển các cụm điểm công nghiệp; hỗ trợ các cơ sở CNNT tham quan khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác phát triển sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền công tác khuyến công; đưa các sản phẩm của các cơ sở CNNT tiêu biểu trên địa bàn tham gia các hội chợ triển lãm các tỉnh.

           

Có thể khẳng định, qua các chương trình hoạt động có tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao, cán bộ làm công tác khuyến công của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã kịp thời nắm bắt tình tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP của toàn tỉnh, từng bước đưa ngành công nghiệp Thái Nguyên tiến thêm một bước trên con đường hội nhập và phát triển.

 

Lê Anh 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang