Thứ Bẩy, 27/04/2024 13:26:59 GMT+7

Tin đăng lúc 27-03-2024

Lượt xem: 126

Thái Nguyên: Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2024 đạt 203.000 tỷ đồng

Trong quý I/2024, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 203.000 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ), đạt 19,2% kế hoạch cả năm.
Thái Nguyên: Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2024 đạt 203.000 tỷ đồng
Doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp chủ yếu vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. (Ảnh: Phú Bình)

Theo đó, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp chủ yếu với giá trị 189.600 tỷ đồng (chiếm 93,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp), tăng 6,6% so với cùng kỳ.

 

Chia theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 201.900 tỷ đồng (chiếm 99,4% tổng giá trị sản xuất), tăng 6,1% so với cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện ước đạt 687,5 tỷ đồng, tăng 3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải ước đạt 322,4 tỷ đồng, tăng 8%. Trong khi đó, lĩnh vực khai khoáng ước đạt 252,4 tỷ, giảm 10,1%.

 

Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 là 1.055.400 tỷ đồng. Theo tính toán của Cục Thống kê, để hoàn thành kế hoạch đề ra thì giá trị sản xuất công nghiệp trong các tháng tiếp theo phải đạt hơn 852.000 tỷ đồng, tương đương tăng 9,1% so với cùng kỳ và tăng gần 40% so với kết quả của quý I/2024.

 

Đây là mục tiêu khó, nhưng có cơ sở để hoàn thành được với sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt, nhạy bén của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế đã có nhiều tín hiệu lạc quan cho ngành công nghiệp.

 

Cụ thể, việc thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có nhiều khởi sắc. Lũy kế đến tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh có 214 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,18 tỷ USD.

 

Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, trọng tâm là hạ tầng về giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

 

Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm như: Tuyến đường liên kết Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Gom đoạn từ nút giao Yên Bình đến Khu công nghiệp Yên Bình…

 

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và các cơ chế chính sách khuyến khích sẽ tạo thêm lực hút với các nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Điều này góp phần tăng tốc sản xuất công nghiệp, hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm và phát triển Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại trong khu vực.

 

Theo congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang