Thứ Sáu, 03/05/2024 09:54:01 GMT+7

Tin đăng lúc 12-09-2016

Lượt xem: 4254

Thái Nguyên hỗ trợ hộ kinh doanh ứng dụng máy móc trong sản xuất chế biến lâm sản

Võ Nhai là một huyện miền núi phía Bắc tỉnh Thái Nguyên, đây là huyện có diện tích lớn nhất và có mật độ dân số thấp nhất trong tỉnh. Lực lượng lao động chủ yếu của huyện là lao động nông nghiệp, nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (TTKC) đã có những chính sách nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.
Thái Nguyên hỗ trợ hộ kinh doanh ứng dụng máy móc trong sản xuất chế biến lâm sản
Hỗ trợ chế biến gỗ tại làng nghề mỹ nghệ An Châu, xã Nga My (Phú Bình)

Nằm liền kề với tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, huyện Võ Nhai có hệ thống đường giao thông thuận lợi, với 40 km đường quốc lộ 1B chạy dọc theo chiều dài của huyện. Diện tích tự nhiên là 839,23 km2 , dân số toàn huyện 65.914 người, hiện nay, huyện Võ Nhai đã chuyển dịch số lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển chế biến đồ gỗ trong thời gian qua trên địa bàn diễn ra một cách tự phát, vì vậy kết quả đạt được chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương. Để từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu sản xuất, tăng dần tỷ trọng khoa học công nghệ trong giá thành sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp cơ sở đứng vững, tồn tại, phát triển và khẳng định mình trong nền kinh tế thị trường thì việc xây dựng và thực hiện phương án đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị chế biến lâm sản là một việc làm hết sức cần thiết. Nhằm góp phần ổn định sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), những năm qua, TTKC đã bám sát vào các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về việc thúc đẩy công nghiệp hóa CNNT để triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở CNNT như đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động, đặc biệt, gắn đào tạo với sản xuất, ưu tiên khuyến khích đào tạo đúng địa chỉ. Từ những kết quả đạt được trong hoạt động khuyến công địa phương đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh, sản xuất cho các doanh nghiệp CNNT trên địa bàn. Cũng nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, nâng cao đời sống của nhân dân và tạo ra bộ mặt nông thôn mới hiện đại hơn.

 

Tham gia Hội chợ - Triển lãm tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

 

Hộ kinh doanh Bùi Văn Toàn tại xã Liên Minh, huyện Võ Nhai là hộ kinh doanh nằm trong xã thuộc Chương trình 135, được xếp là địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang được Chính phủ quan tâm hỗ trợ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và đề nghị của hộ kinh doanh, trên cơ sở xem xét phương án đầu tư, nhu cầu cần thiết và nhận thấy có tính khả thi, nhằm giúp đơn vị có điều kiện phát triển kinh tế, TTKC đã có kế hoạch xây dựng và thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất chế biến lâm sản” với ngành nghề kinh doanh chính là cưa xẻ gỗ thành vân, sản xuất kinh doanh gỗ băm cho hộ kinh doanh Bùi Văn Toàn. Đề án này đã được TTKC xem xét, hỗ trợ với mức kinh phí thực hiện trên 1,2 tỷ đồng (trong đó kinh phí khuyến công địa phương 83,1 triệu bao gồm hỗ trợ máy móc thiết bị, kinh phí quản lý đề án và nguồn kinh phí từ đơn vị thụ hưởng 1,148 tỷ đồng), bao gồm chi phí xây dựng cơ bản; chi phí mua sắm lắp đặt thiết bị; chi phí sản xuất thử… Máy băm dăm gỗ với ứng dụng công nghệ băm dăm gỗ chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến, dễ sử dụng, hoạt động ổn định, hạn chế tối đa sự mài mòn tự nhiên, chi tiết máy dễ gia công và cơ khí hóa. Loại máy này có thể băm nhiều loại gỗ như: bồ đề, bạch đàn, keo, thông… băm gỗ thành dăm mảnh nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy, xuất khẩu, ngoài ra dăm gỗ còn làm nhiên liệu đốt cho các lò đốt, hoặc nghiền thành mùn cưa để làm nguyên liệu cho các máy ép khối, máy ép củi, ép viên  xuất khẩu. Kinh phí của đề án tập trung vào mua sắm máy băm gỗ, giúp cho hộ kinh doanh triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu của địa phương.

 

Ông Bùi Văn Toàn - Chủ hộ kinh doanh cho biết: “Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên, Đề án đã góp phần giúp gia đình tôi chuyển hướng sản xuất, từng bước hiện đại hóa thiết bị, công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, đem lại lợi nhuận cho gia đình hàng năm 827,988 đồng/năm. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức lương bình quân 3,240 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt là giúp cho gia đình tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất; giảm giá thành, năng suất lao động tăng, chất lượng sản phẩm tốt, có tính cạnh tranh cao, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương…”.

 

Được biết, thời gian qua, TTKC Thái Nguyên đã kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho nhiều doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, TTKC còn tăng cường phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh để huy động nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

 

 Bảo Kiên

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang