Thứ Sáu, 26/04/2024 11:14:47 GMT+7

Tin đăng lúc 03-08-2019

Lượt xem: 1296

Thanh Hóa: Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp địa phương phát triển ngành nghề nông thôn

Để giúp người dân phát triển kinh tế, xã Tế Lợi (huyện Nông Cống) đã tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, phát triển tiểu thủ công nghiệp và để giúp các địa phương phát triển các chính sách hỗ trợ khuyến công của tỉnh cũng được địa phương đặc biệt chú trọng.
Thanh Hóa: Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp địa phương phát triển ngành nghề nông thôn
Sản xuất nghề mộc dân dụng tại xã Thăng Thọ (huyện Nông Cống)

Những năm qua, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn của xã Tế Lợi đang phát triển theo hướng tích cực, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ví dụ cơ sở sản xuất mộc dân dụng của gia đình chị Hải Oanh ở thôn Yên Bái, thành lập từ cuối năm 2015 đến nay đã tạo việc làm cho 45 lao động với thu nhập bình quân 6 – 7,5 triệu đồng/người/tháng. Hay như các gara sửa chữa ô tô đang phát triển khá mạnh ở xã Tế Lợi với 10 gara, tạo việc làm cho gần 100 lao động cùng mức thu nhập cao từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng.

 

Một số liệu thống kê mới đây cho biết xã Tế Lợi có gần 1.000 lao động làm việc trong nhiều ngành nghề như: Mộc, xây dựng, may công nghiệp… Việc phát triển, duy trì các nghề truyền thống đã giúp cơ cấu kinh tế của địa phương khá ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/năm. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã đạt hơn 45 tỷ đồng.

 

 

Lao động làm nghề mây giang xiên tại xã Thiệu Chính (huyện Thiệu Hóa)

 

Một địa phương khác cũng đang làm rất tốt công tác khuyến công, phát triển kinh tế đa ngành là xã Thiệu Duy (huyện Thiệu Hóa). Trong 5 năm trở lại đây, chính quyền xã đã liên tục khuyến khích, động viên nhân dân địa phương phát triển tiểu thủ công nghiệp. Hiện xã có 276 cơ sở và hộ gia đình đang tham gia sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm, gò hàn, xây dựng, nhôm kính, sản xuất vật liệu xây dựng… Những hoạt động khuyến công, phát triển kinh tế đa ngành này đã giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 93,7% lao động trong xã, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4,8%.

 

Thống kê hồi tháng 2/2019 của Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 337.000 lao động đang hoạt động trong các ngành nghề nông thôn. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động ngành nghề nông thôn tại các nhóm ngành nghề đồ gỗ, chế tác đá mỹ nghệ, chế biến thủy sản, đúc đồng… đạt 4 – 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Hiện nay, các sở, ngành và chính quyền các địa phương tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực, tập trung phát triển các ngành nghề nông thôn bằng nhiều giải pháp như: Khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống theo chiều sâu gắn với xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống, đồng thời du nhập các nghề mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng địa phương.

 

Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa đã thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ vốn đắc lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mở rộng quy mô. Ông Lê Trọng Hân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, hoạt động khuyến công đang hỗ trợ khá tốt cho các doanh nghiệp chế biến sâu, có xuất khẩu để kích thích đầu tư trang thiết bị cao cấp hơn, mở rộng sản xuất, vươn ra thị trường thế giới.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang