Thứ Sáu, 26/04/2024 15:13:26 GMT+7

Tin đăng lúc 16-06-2017

Lượt xem: 6213

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang gia tăng sức hấp dẫn

Báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) do Công ty Tư vấn A.T Kearney (Mỹ) công bố mới đây cho thấy, năm nay, Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp vị trí thứ 6 trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang gia tăng sức hấp dẫn
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang gia tăng sức hấp dẫn

Trước đó, năm 2008, Việt Nam đứng ở vị trí thứ nhất trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và thường xuyên nằm trong top 30 từ đó đến nay (chỉ riêng năm 2012, Việt Nam không lọt top 30 của danh sách này).

 

Báo cáo chỉ rõ, nguyên nhân khiến thị trường bán lẻ Việt Nam tăng sức hấp dẫn một phần do các luật đầu tư của Việt Nam đã cởi mở hơn. Cụ thể, năm 2015, Chính phủ đã cho phép DN bán lẻ thành lập vốn 100% nước ngoài, giúp thu hút các "đại gia" bán lẻ đến với Việt Nam. Chưa kể, dân số trẻ với sức mua lớn, có nhu cầu cao về hàng hóa cũng khiến thị trường bán lẻ nước ta trở nên hấp dẫn hơn. Theo Bộ Công Thương, nhiều năm nay, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn ở mức cao. 5 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa đã đạt 1.600.810 tỷ đồng, tăng 10,24% so với cùng kỳ năm 2016. 

 

Sức hấp dẫn của thị trường đã giúp thu hút hàng loạt các đại gia bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam. Trong đó, hãng bán lẻ Nhật Bản AEON đã đổ 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam; Tập đoàn TCC Holding Thái Lan đã mua lại Metro Cash&Carry với số tiền 655 triệu USD; Big C thuộc về tập đoàn Central Group với số vốn chuyển nhượng 1,14 tỷ USD… Nhiều kênh bán lẻ cũng dự kiến nâng số cửa hàng tại Việt Nam như FamilyMart dự kiến có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020; Lotte Mart dự kiến mở 60 cửa hàng vào năm 2020… 

 

Việc Việt Nam tăng bậc trong top thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất là điều đáng mừng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức khi DN bán lẻ Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các DN bán lẻ nước ngoài vốn có tiềm lực lớn hơn về mọi mặt.

 

Tại Tọa đàm "Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại" mới đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho hay, để nâng cao sức cạnh tranh, hiệp hội đã khuyến khích các DN bán lẻ Việt Nam liên kết chặt chẽ với nhau hơn. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các kênh bán lẻ tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. 

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - cho rằng, DN bán lẻ cần chủ động liên kết với người nông dân để xây dựng những chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm giảm giá bán sản phẩm. Đó là điều kiện quan trọng nhất để nâng cao sức cạnh tranh.

 

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ nhiều hơn như dành khoản vốn vay ưu đãi cho các DN bán lẻ xây dựng hệ thống phân phối. Đồng thời tạo cơ chế, điều kiện xây dựng nhiều DN bán lẻ mạnh như VinGroup, Saigon Coop, có khả năng dẫn dắt các DN nhỏ. Có như vậy thì DN bán lẻ mới "thắng" trên sân nhà.

 

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ DN phân phối bán lẻ trong nước phát triển. Đây là giải pháp cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho DN bán lẻ Việt Nam.

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang