Thứ Sáu, 26/04/2024 17:11:24 GMT+7

Tin đăng lúc 26-09-2018

Lượt xem: 6966

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam - cơ hội và thách thức

Là một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được các chuyên gia đánh giá là đầy tiềm năng và chắc chắn sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành Thương mại điện tử Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít những thách thức.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam - cơ hội và thách thức

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2017, ngành Thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 25% và tiếp đà duy trì như vậy trong giai đoạn 2018 – 2020. Việc các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các trang web thương mại điện tử trong nước, khiến cho thị trường này ngày càng sôi động. Trong đó, nhiều lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ấn tượng như: Bán lẻ trực tuyến tăng 35%; thanh toán online và giao dịch trực tuyến thẻ tín dụng nội địa tăng 50%; tiếp thị trực tuyến tăng trưởng từ 100 - 200%; đặt phòng khách sạn du lịch trực tuyến tăng 30%… Với đà tăng trưởng đó, các chuyên gia nhận định, đến năm 2020, dự kiến tại Việt Nam có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người và quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD. Do vậy, năm 2018 chính là thời điểm vàng của thương mại điện tử khi mà người dân hầu như đã rất quen thuộc với hình thức mua sắm trực tuyến. Trong đó, nền tảng di động sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo; giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ… là yếu tố quan trọng thu hút người dùng mua hàng trực tuyến.

         

Tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có một thực tế được nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt Nam và đặc biệt là thế hệ người tiêu dùng trẻ đang rất ưa chuộng mua hàng qua các website thương mại điện tử của nước ngoài như Amazon, eBay… Lý do là hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, cũng như phù hợp với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Bên cạnh đó, chi phí hoàn tất đơn hàng đối với các hợp đồng mua bán trực tuyến từ nước ngoài thấp hơn…

         

Ở chiều ngược lại, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng để bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước cũng vẫn “đuối” hơn so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. Quan trọng là chất lượng, mẫu mã của nhiều sản phẩm quốc nội vẫn lép vế so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.

 

         

 

Một vấn đề khác cũng đang là thách thức với các nhà bán hàng trực tuyến Việt Nam là cơ sở hạ tầng công nghệ. Theo chia sẻ của ông Phạm Thông - Giám đốc tiếp thị Lazada cho thấy, vào những dịp cáp quang Việt Nam AAG bị đứt, Lazada đã giảm tới 30% doanh thu trung bình trong một ngày. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật thông tin… trên các giao dịch điện tử vẫn chưa thể khiến người tiêu dùng an tâm nên người tiêu dùng vẫn chịu nhiều thiệt thòi và cảm thấy không yên tâm khi mua sắm online.

         

Để thương mại điên tử Việt Nam có thể phát triển lành mạnh trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý. Trong đó, phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển thanh toán điện tử nhằm nâng cao lòng tin của người sử dụng và giới doanh nghiệp vào hệ thống thanh toán điện tử; tăng cường điều phối, hợp tác chính sách phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trong nước và quốc tế, liên quốc gia, liên ngành. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư trực tiếp cũng như khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử. Theo đó, các cơ quan nhà nước phải ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm công, đấu thầu gắn với cải cách hành chính, minh bạch hóa, nâng cao hiệu lực nền hành chính quốc gia và xây dựng chính phủ điện tử; ngân hàng Nhà nước cần tích cực triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thanh toán điện tử; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công như hải quan điện tử; kê khai thuế và nộp thuế, làm các thủ tục xuất, nhập khẩu điện tử…; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thương mại điện tử, nghiên cứu, đề xuất phương án gia nhập các điều ước quốc tế, các thể chế hợp tác đa phương về thương mại điện tử.

         

Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử và kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử phạt với các doanh nghiệp bán hàng giả, hàng nhái…; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình, chuyên đề để phổ biến nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng để đưa hình thức mua sắm trực tuyến trở thành một trong những hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng trong xu thế thời đại ngày nay.

 

Anh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang