Thứ Bẩy, 27/04/2024 17:56:19 GMT+7

Tin đăng lúc 09-10-2023

Lượt xem: 399

Thị trường trong nước cơ bản ổn định, sức mua phục hồi tốt

Tính chung 9 tháng năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Thị trường trong nước cơ bản ổn định, sức mua phục hồi tốt

Sức mua được phục hồi

 

Thị trường hàng hóa tháng 9 khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng mạnh trong các dịp nghỉ lễ Quốc Khánh, Rằm Trung thu, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới… Nguồn cung các mặt hàng tương đối ổn định; giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, thịt lợn có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước; các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá điều chỉnh giảm theo giá thế giới; giá các mặt hàng khác không có biến động lớn.

 

Tính chung 9 tháng năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực từ sớm cùng với Chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Năm nay, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Riêng mặt hàng thóc gạo, do ảnh hưởng của thị trường thế giới (việc ngừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ) nên giá thóc gạo trong nước đã tăng khá cao từ nửa cuối tháng 7 đến nay, tuy nhiên, nguồn cung thóc gạo cho thị trường trong nước vẫn được bảo đảm; giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng giảm trong 3 tháng đầu năm do sức tiêu thụ chậm, tuy nhiên từ tháng 5, giá đã tăng trở lại, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 lại có xu hướng giảm nhẹ do nhu cầu thấp; giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%).

 

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hải Phòng tăng 11,9%; Quảng Ninh tăng 10,9%; Đồng Nai tăng 9,9%; Bình Dương tăng 9,0%; Khánh Hòa tăng 8,7%; Cần Thơ tăng 8,2%; Đà Nẵng tăng 5,2%; Hà Nội tăng 4,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,9%...

 

Công tác đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu cho thị trường trong nước

 

Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, cụ thể: Ngày 28/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

 

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng nên nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong tháng 9 năm 2023 và các tháng tiếp theo năm 2023 về cơ bản được đảm bảo.

 

Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

 

Qua 03 lần điều chỉnh giá (ngày 05/9, 11/9 và 21/9), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tháng 9/2023 (tại kỳ điều hành ngày 21/9) được điều chỉnh so với tháng trước (tại kỳ điều hành ngày 21/8) như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 24.197 đồng/lít, tăng 858 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 25.748 đồng/lít, tăng 1.147 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.594 đồng/lít, tăng 1.240 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 23.816 đồng/lít, tăng 1.507 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.847 đồng/kg, giảm 134 đồng/kg.

 

Tiếp tục theo dõi diễn biến, đảm bảo cung cầu hàng hóa

 

Dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào còn tiếp diễn; căng thẳng chính trị, xung đột Nga - Ucraina tiếp tục kéo dài, đặc biệt là xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu.

 

Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, trong thời gian tới cũng sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại - công nghệ giữa các nước lớn, các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, quy định của EU về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến rừng, các sản phẩm thủy sản khai thác...

 

Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu – châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

 

Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ gắn các vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...).

 

Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (Near sourcing) và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, (thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam). Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

 

Ở trong nước, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước…Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đạt ra của ngành.

 

Theo đó, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường.

 

Phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

 

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Phối hợp với các đơn vị truyền thông chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

 

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành Giá để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới (khi giá thế giới tăng cao), góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu; đồng thời, tiếp tục khôi phục Quỹ bình ổn giá để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao.

 

Theo MOIT


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang