Thứ Sáu, 26/04/2024 21:05:15 GMT+7

Tin đăng lúc 13-08-2016

Lượt xem: 3264

Thị trường vật liệu xây dựng Việt: Nguy cơ về tay người Thái

Không chỉ thâu tóm hết những chuỗi bán lẻ lớn để đưa hàng Thái vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan cũng đang lấn lướt trên thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam thông qua những thương vụ mua bán và sát nhập (M&A) lớn.
Thị trường vật liệu xây dựng Việt: Nguy cơ về tay người Thái
Siam City Cement là tập đoàn sản xuất xi măng lớn thứ hai ở Thái Lan vừa ký thỏa thuận với LafargeHolcim để mua lại toàn bộ 65% cổ phần của tập đoàn này Việt Nam

Bước đi mới đây nhất giúp một doanh nghiệp Thái Lan nhanh chóng thiết lập được chỗ đứng vững chắc trên thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam đó là việc tập đoàn Siam City Cement đã ký thỏa thuận với LafargeHolcim để mua lại toàn bộ 65% cổ phần của tập đoàn này tại liên doanh LafargeHolcim Việt Nam, với số tiền khoảng 524 triệu USD.

 

Sự xuất hiện của Siam City Cement

 

Như vậy, với thông báo được cải hai phía là LafargeHolcim và Siam City Cement công bố, nhà đầu tư Thái Lan đã gần như chắc chắn vượt qua một loạt ứng cử viên khác như tập đoàn Siam Cement Group (SCG) cũng của Thái Lan hay Taiheiyo Cement Corporation của Nhật Bản đến nắm cổ phần chi phối tại LafargeHolcim Việt Nam.

 

Tất nhiên, việc Siam City Cement có chắc chắn trở thành ông chủ mới của LafargeHolcim Việt Nam hay không còn phải đợi vào câu trả lời dứt khoát từ Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), vì Vicem đang là cổ đông nắm 35% cổ phần còn lại và sẽ được quyền ưu tiên mua lại cổ phần từ LafargeHolcim nếu muốn.

 

Nhưng cho tới nay thì có thể nói rằng mọi việc gần như đã an bài, và Siam City Cement sẽ đặt bước chân đầu tiên vào thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam vào khoảng cuối năm nay. Với quy mô của LafargeHolcim Việt Nam hiện tại, thì đây là một bước chân vững trãi giúp nhà đầu tư Thái Lan nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam.

 

Siam City Cement là tập đoàn sản xuất xi măng lớn thứ hai ở Thái Lan, sau SCG, và có tới 45 kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

 

Năm 2015, doanh thu của tập đoàn này là 908 triệu USD, con số khá lớn nếu so với các nhà sản xuất xi măng ở Việt Nam.

 

Gần đây, Siam City Cement đã lộ rõ chiến lược mở rộng thị trường ra khu vực thông qua sự hiện diện ở Indonesia, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka.

 

Trong bản thông báo gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Bangkok, Siam City Cement cũng khẳng định việc đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp tập đoàn này mở rộng thị trường một cách nhanh chóng và mang lại nhiều giá trị cộng hưởng như hệ thống IT và kỹ thuật sản xuất.

 

Với tốc độ đô thị hóa cao và sự bùng nổ của thị trường bất động sản như hiện nay, rõ ràng ngành vật liệu xây dựng đang là một trong những ngành có nhiều cơ hội phát triển.

 

DN Thái Lan đang toan tính gì ?

 

“Thái hóa” mấy năm gần đây đã trở thành mối lo lớn trên thị trường bán lẻ, đặc biệt sau khi các tập đoàn lớn như BJC, TCC và Central Group mua lại Metro Cash & Carry, Big C và Phú Thái.

 

Nhưng thương vụ Siam City Cement chi phối LafargeHolcim lại như một lời nhắc nhở rằng các doanh nghiệp Thái Lan cũng đang lấn lướt dần trên thị trường vật liệu xây dựng.

 

Với tốc độ đô thị hóa cao, rõ ràng ngành vật liệu xây dựng đang là một trong những ngành có nhiều cơ hội phát triển. Các nhà đầu tư Thái Lan nhìn thấy điều đó và khi có cơ hội họ sẽ thâu tóm những doanh nghiệp lớn nhất để trở thành những người dẫn dắt thị trường.

 

Như trong trường hợp của Siam City Cement, chỉ với một thương vụ M&A thôi, tập đoàn này đã sở hữu một hệ thống sản xuất vật liệu xây dựng khá lớn ở Việt Nam.

 

Hiện tại LafargeHolcim Việt Nam đang có một nhà máy trộn và bốn nhà máy nghiền clinker với tổng công suất 6,3 triệu tấn mỗi năm.

 

Ngoài ra, LafargeHolcim Việt Nam cũng là nhà cung cấp bê tông trộn sẵn hàng đầu trên thị trường với bảy nhà máy ở khu vực miền nam. Nhưng sự xuất hiện của một mình Siam City Cement thì không thể gây lo ngại về sự lấn lướt của các nhà đầu tư Thái trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Thực tế, sự lấn lướt này đã bắt đầu từ ít nhất năm năm trước đây.

 

Năm 2011, SCG đã mua lại Cty sản xuất xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và đầu tư thêm 5,5 triệu USD để nâng công suất lên 200.000 tấn xi măng một năm. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu nhỏ.

 

Thương vụ lớn nhất đưa SCG tiến sâu vào thị trường vật liệu xây dựng là mua lại 85% cổ phần của tập đoàn Prime Group – tập đoàn đang chiếm tới 20% thị phần gạch xây dựng ở Việt Nam lúc bấy giờ.

 

Vào đầu năm nay, SCG đã hoàn tất việc thâu tóm Prime Group khi mua thêm 15% cổ phần nữa để trở thành cổ đông duy nhất nắm giữ 100% cổ phần. Tổng chi phí cho việc thâu tóm này vào khoảng 300 triệu USD.

 

Còn ở thị trường ống nhựa xây dựng, thông qua Cty con Nawaplastic Industries, SCG cũng đang có hơn 20% cổ phần tại hai DN sản xuất nhựa lớn nhất Việt Nam là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh.

 

Hiện tại, tổng thị phần của Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh trong thị trường ống nhựa xây dựng của Việt Nam là hơn 50%.

 

Nếu chỉ tính riêng SCG thì tập đoàn này hiện có tới 21 Cty con ở Việt Nam và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, ngói bê tông, tấm sợi xi măng, bê tông trộn sẵn, gạch men và đồ sứ vệ sinh.

 

Báo cáo tài chính của SCG cho biết trong quý II vừa qua SCG đang nắm giữ khối tài sản trị giá 872 triệu USD tại Việt Nam, tăng 9% so với một năm trước đây. Doanh thu bán hàng trong thời gian này ở VN đạt 176 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Như vậy, thông qua các thương vụ M&A, các DN Thái Lan cũng đang chiếm dần vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ở Việt Nam.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang