Thứ Bẩy, 27/04/2024 00:24:10 GMT+7

Tin đăng lúc 08-09-2018

Lượt xem: 1650

TP. Hồ Chí Minh - Tìm hướng đột phá cho ngành công nghiệp điện tử

Ngành điện tử - công nghệ thông tin được TP. Hồ Chí Minh chọn là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu, bên cạnh ba ngành khác là cơ khí chế tạo, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm. Ngành này đã đóng góp khá lớn cho nền kinh tế của thành phố trong những năm gần đây.  
TP. Hồ Chí Minh - Tìm hướng đột phá cho ngành công nghiệp điện tử
Ảnh minh họa

Tăng trưởng phát triển theo chiều sâu

 

Ngành sản xuất hàng điện tử TP. Hồ Chí Minh trong 8 tháng đầu năm nay được ghi nhận tiếp tục tăng khá với mức tăng trưởng 15,89%. Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 8 tháng/2018 đạt 6,07 tỷ USD, tăng 12,8% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 29,1% trong kim ngạch xuất khẩu không kể giá trị dầu thô.

 

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ ngành hàng này tăng trưởng là do thị trường tiêu thụ ổn định và được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…

 

Đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành này trong thời gian tới, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh- cho hay, hiện thành phố có điều kiện phát triển thuận lợi cho ngành công nghiệp vi cơ điện tử và cảm biến (MEMS/Sensor). Ngành này được cho là một phần quan trọng của chương trình phát triển vi mạch, gắn với việc ứng dụng Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT) trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

 

Nhận thấy rõ lợi thế phát triển của ngành sản xuất hàng điện tử, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng sản phẩm chủ lực ngành hàng điện tử - công nghệ thông tin với nhiều tiêu chí như sản phẩm là nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực được đề xuất bao gồm các sản phẩm phần cứng, sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung số.

 

Đến nay thành phố cũng có các đơn vị sản xuất điện tử lớn như Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (chip vi điều khiển, điện kế điện tử), Công ty CP MISA (Phần mềm quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS), Công ty TNHH Công nghệ Anh Quân (EduSoft.NET), Công ty CP Tin học - Bản đồ Việt Nam (Bản đồ số Vietbando)...

 

Tạo đột phá để phát triển

 

Bên cạnh sự tăng trưởng, TP. Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận ngành công nghiệp điện tử vẫn còn hạn chế khi có đến 95% kim ngạch xuất khẩu lại đến từ khối DN FDI. Phần lớn DN nội vẫn chủ yếu tham gia vào công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng.

 

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Thị Kiều, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh -cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do còn thiếu chiến lược dài hạn để phát triển ngành công nghiệp điện tử. Việc thực thi chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm (R&D) của DN còn yếu. Do vậy, hầu hết DN Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm chứ chưa thực hiện được các công đoạn chủ lực trong chuỗi giá trị của ngành.

 

Để chủ động và phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp điện tử, các chuyên gia khuyến nghị, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Mỗi DN cũng cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới. Đồng thời cần vận động DN nước ngoài chủ động chuyển giao công nghệ hiện đại cho đối tác Việt Nam, kể cả kinh nghiệm, cách làm phù hợp để tiệm cận, làm chủ tình hình trong bối cảnh hội nhập...

 

Tầm nhìn của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 là sẽ đầu tư có hiệu quả và vận hành nhà máy sản xuất vi mạch do thành phố quản lý, tiếp tục phát triển công nghiệp vi mạch điện tử trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, cung cấp thiết bị và giải pháp cho việc xây dựng đô thị thông minh. Công nghiệp vi mạch cũng sẽ thuộc lĩnh vực trọng tâm của thành phố trong việc thu hút đầu tư nước ngoài về vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ hiện đại.

 

Theo báo Công Thương

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang