Thứ Bẩy, 27/04/2024 15:47:24 GMT+7

Tin đăng lúc 06-01-2024

Lượt xem: 639

Trồng bưởi đỏ 'tiến vua' bán Tết, người dân Thanh Hóa đút túi nửa tỷ đồng

Nhờ trồng bưởi đỏ tiến vua bán Tết, người dân xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) rủng rỉnh đút túi hàng trăm triệu đến nửa tỷ đồng mỗi năm.
Trồng bưởi đỏ 'tiến vua' bán Tết, người dân Thanh Hóa đút túi nửa tỷ đồng
Trồng bưởi đỏ bán Tết, gia đình anh Thành thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Xã Thọ Xương được xem là thủ phủ trồng bưởi đỏ "tiến vua". Bưởi đỏ vốn được trồng chủ yếu ở làng Luận Văn và có tên gọi là “bưởi Luận Văn”, sau này được người dân trồng khắp xã Thọ Xương.

 

Anh Phạm Văn Thành (SN 1982), thôn Thủ Trinh, xã Thọ Xương, cho biết, nhà anh mới thầu lại khu đất khoảng 1 mẫu để trồng hơn 100 gốc bưởi. Sau 3 năm chăm sóc, bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Với số lượng gốc như vậy, năm nay gia đình anh ước thu hơn 2.000 quả.

 

Theo anh Thành, năm ngoái vườn bưởi này được khoảng 1.000 quả. Bán với giá 90.000-100.000 đồng/quả, vợ chồng anh thu về ngót trăm triệu đồng.

 

“Năm nay bưởi được mùa, quả to, đẹp hơn. Thời điểm hiện tại, mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng đã có nhiều thương lái đến xem vườn, đặt mua. Gia đình vẫn chưa đồng ý.

 

Với giá bán như năm ngoái, vườn bưởi nhà tôi năm nay thu về khoảng 200 triệu đồng. Bưởi năm nay quả to, đẹp sẽ có giá cao hơn”, anh Thành chia sẻ.

 

Anh Thành cho hay, trồng bưởi không khó, quan trọng là hợp thổ nhưỡng. Thông thường, chỉ mất 1-2 năm đầu phải chăm sóc cây. Từ năm thứ 3 trở đi, chủ yếu làm cỏ gốc, bón phân và thu thành quả. Mỗi gốc bưởi nếu chăm sóc tốt có tuổi đời lên đến 40-50 năm.

 

Sở dĩ bưởi tiến vua những năm qua được người dân đặt mua nhiều bởi loại bưởi này có đặc điểm riêng so với các loại bưởi khác.

 

Khi bé, quả bưởi cũng có màu xanh, nhưng đến khoảng tháng 7 và tháng 8 Âm lịch, bưởi sẽ chuyển sang màu vàng. Vào khoảng tháng 10-11, bưởi tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc. Lúc này, toàn quả bưởi từ ngoài vào trong tép đều chuyển sang màu đỏ gấc và có mùi thơm đặc trưng.

 

Là hộ có thâm niên trong nghề trồng bưởi, ông Nguyễn Văn Tư (SN 1968) có khoảng 3ha, trồng từ những năm 2005 theo đề án khôi phục lại giống bưởi Luận Văn. Đây là dòng bưởi đỏ nức tiếng của làng Luận Văn dùng để tiến vua thời trước.

 

Với diện tích trên, năm nay nhà ông Tư dự kiến có khoảng 7.000 quả xuất ra thị trường. Theo tính toán, mỗi vụ thu hoạch bưởi gia đình ông cũng thu về hơn nửa tỷ đồng.

 

“Đến hẹn lại lên, chuẩn bị giáp Tết vườn bưởi nhà tôi có rất nhiều thương lái đến xem và đặt cọc, tuy nhiên tôi chưa nhận lời và phát giá với ai. Một ngày, tôi nghe hàng chục cuộc điện thoại từ khắp nơi gọi hỏi mua bưởi”, ông Tư chia sẻ.

 

Ông Tư nói thêm, giống bưởi này mọng nước, ăn có vị chua nhưng không he. So với các giống bưởi Diễn, Năm Roi,... thì bưởi Luận Văn không ngon bằng. Tuy nhiên, giống bưởi này vẫn đắt khách vào những ngày Tết.

 

Nhiều người quan niệm, bưởi đặt lên bàn thờ có màu đỏ, mùi thơm mang lại sự may mắn, thịnh vượng.

 

Không những thế, bưởi Luận Văn còn được dùng làm quà biếu cho nhau những ngày Tết đến.

 

Ông Lê Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, thông tin, năm 2005, giống bưởi Luận Văn được đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa.

 

Thời gian đầu, việc khôi phục cũng gặp nhiều khó khăn. Chính quyền phải vận động người dân tham gia dự án bảo tồn, đồng thời hỗ trợ về cây giống, phân bón, chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, trên địa bàn xã hiện có hơn 35ha bưởi đỏ, đem lại giá trị kinh tế cao.

 

“Đây là giống bưởi đặc sản ở địa phương. Đến nay, bưởi đỏ Luận Văn đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Trung bình, 1ha bưởi cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Với giá trị kinh tế cao như vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi trên địa bàn”, ông Hiếu nói.

 

Theo Vietnamnet.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang