Thứ Sáu, 26/04/2024 07:19:41 GMT+7

Tin đăng lúc 05-04-2019

Lượt xem: 1683

Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhận thức rõ được vai trò quan trọng của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đối với sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.  
Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 189 doanh nghiệp CNHT

Yêu cầu tất yếu

 

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV đã nêu rõ “Tập trung phát triển công nghiệp và coi công nghiệp là nền tảng nhằm tạo sự tăng trưởng cao của nền kinh tế, kích thích các ngành dịch vụ, nông nghiệp phát triển”. Để thực hiện được yêu cầu này, tỉnh Vĩnh Phúc coi phát triển CNHT là yêu cầu tất yếu nhằm đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp.

 

“Bởi CNHT là một trong những yếu tố quan trọng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, CNHT phát triển cũng góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giảm nhập khẩu, tăng tỷ trọng giá trị xuất khẩu trong cơ cấu xuất nhập khẩu của địa phương” – Ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

 

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 189 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT, với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD, trong đó có 159 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 30 DN trong nước. Các DN CNHT đầu tư tại Vĩnh Phúc tập trung vào CNHT cho 5 nhóm ngành công nghiệp lớn, bao gồm: công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử-tin học; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may, giày dép; công nghiệp vật liệu xây dựng.

 

Nhờ chủ trương đó, đến nay hệ thống hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc tương đối hoàn thiện. Tỉnh đã quy hoạch được 19 khu công nghiệp với quy mô gần 6.000 ha, trong đó có 10 khu đã được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch gần 4.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi về mặt hạ tầng phát triên công nghiệp tập trung. Tỉnh cũng quy hoạch được 32 cụm công nghiệp (CCN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN) với tổng diện tích 625 ha, trong đó 16 cụm được hình thành với tổng diện tích 334 ha.

 

Định hướng phát triển CNHT giúp ngành công nghiệp tĩnh Vĩnh Phúc những năm qua có tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 ước đạt 28,97%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước là 12,67%. Bên cạnh đó, CNHT cũng góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển, điển hình như ngành cơ khí chế tạo, lắp ráp ôtô, xe máy. CNHT cũng giúp hình thành mối liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và DN FDI, tạo điều kiện cho DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

 

Hoàn thiện chính sách

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngành CNHT địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Các dự án CNHT đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô, xe máy còn chưa nhiều, mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít về chủng loại và sản lượng, chưa tạo được sức cạnh tranh, do đó để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước, hàng năm ngành ôtô vẫn nhập khẩu một lượng lớn linh kiện, phụ tùng.

 

 

Tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung nhiều giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT

 

Đặc biệt, ông Lê Duy Thành cho biết, các sản phẩm CNHT tại địa phương hầu hết có hàm lượng công nghệ chế tạo thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp cụm linh kiện, sản xuất sản phẩm đơn giản. Bên cạnh đó, CNHT sản xuất nguyên, vật liệu (công nghệ vật liệu) như sắt, thép, kim loại màu, cao su kỹ thuật, nhựa kỹ thuật, da, bông chưa phát triển, chủ yếu phải nhập khẩu; sản phẩm CNHT có giá trị gia tăng thấp sử dụng nhiều lao động…

 

Nhằm thúc đẩy ngành CNHT tại địa phương phát triển, tới đây, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN và các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đồng thời, quan tâm đến các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

 

Tạo mối liên kết giữa các DN với các công ty, tập đoàn lớn, bao gồm các nhà lắp ráp, các nhà cung ứng lớp trên trong và ngoài nước với các DN trong nước để trở thành nhà cung ứng. Tư vấn chuyển giao công nghệ, vườn ươm DN, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên gia; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị DN, xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ phát triển CNHT.

 

Tập trung huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn FDI) để dầu tư phát triển CNHT và sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

 

Để tạo cơ hội cho ngành CNHT địa phương phát triển, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định dự án, cấp giấy phép đầu tư, thỏa thuận địa điểm cấp đất, cấp giấy phép xây dựng một cách nhanh chóng. Thực hiện có hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính theo quy trình một cửa thông qua Trung tâm hành chính công Vĩnh Phúc; thực hiện các giải pháp trong đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang