Có thể kể đến vai trò của nguồn kinh phí khuyến công trong việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Năm 2018, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang đã hỗ trợ 200 triệu đồng trên tổng chi phí 418 triệu đồng cho Công ty TNHH SXTM Thanh Hồ là cơ sở chuyên sản xuất mặt hàng tương hột, nước màu 01 máy siết nắp tự động và 01 máy siêu màng nhôm tự động, nâng công suất lên 2.500 hũ/giờ. Việc hỗ trợ đã giúp công ty nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo được uy tín trên thị trường.
Ngoài đề án trên, năm qua nguồn kinh phí khuyến công tại An Giang còn hỗ trợ giúp các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong tỉnh với 23 đề án trong đó có 22 đề án là hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TTKC còn đề nghị Cục Công Thương địa phương trình Bộ Công Thương phê duyệt đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ quy trình sản xuất máy gặt” với mức hỗ trợ 200 triệu đồng.
Chương trình khuyến công còn hỗ trợ cho 9 sản phẩm cấp tỉnh và 2 sản phẩm cấp khu vực trong việc bình chọn chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) và hỗ trợ trưng bày các sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; tư vấn, trợ giúp cơ sở CNNT trong việc thiết kế nhãn hàng hóa và đăng ký mã vạch sản phẩm…
Ông Trần Thanh Tâm – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết chương trình khuyến công năm 2019 đã huy động được nhiều nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CN – TTCN và các dịch vụ khuyến công giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất, tạo việc làm góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2019, với nguồn kinh phí để triển khai chương trình khuyến công tại An Giang là hơn 24 tỷ đồng sẽ hỗ trợ để tổ chức đào tạo nghề và truyền nghề tiểu thủ công nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, nhận thức về việc áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm làng nghề…
Có thể nói, thông qua các hoạt động hỗ trợ từ các chương trình khuyến công đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn phát triển sản xuất - kinh doanh theo hướng bền vững, từ đó người dân địa phương sẽ có nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, đóng góp chung cho sự phát triển của KT – XH địa phương.
Bảo Kiên