Thứ Sáu, 22/11/2024 10:53:42 GMT+7
Lượt xem: 4938

Tin đăng lúc 29-05-2016

Khuyến công An Giang: Hỗ trợ nguồn vốn phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp

Để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN–TTCN), những năm qua, các làng nghề TTCN trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và trên địa bàn huyện Chợ Mới nói riêng được hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách của chương trình khuyến công, điều đó đã tạo đòn bẩy thúc đẩy TTCN phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều chương trình thực sự đã mang lại hiệu quả.
Khuyến công An Giang: Hỗ trợ nguồn vốn phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp

 

Huyện Chợ Mới hiện có 13 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 9 làng nghề truyền thống và 4 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) thu hút 3.618 hộ và giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. 4 làng nghề TTCN được phân bố ở một số huyện, bao gồm làng nghề mộc ở chợ Thủ, Mỹ Luông, Tấn Mỹ, Long Điền B, từ đó, hình thành nhiều nhóm nghề: Chạm trổ điêu khắc, tiện, trang trí nội thất, sơn; mặt hàng sản xuất đa dạng như: Tủ, bàn, ghế, giường... với thị trường tiêu thụ rộng. Ngoài ra, lao động làng nghề cũng được đào tạo, bồi dưỡng tay nghề chuyên môn, các cơ sở được hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị để mở rộng quy mô phát triển làng nghề. Tham gia làm việc tại các cơ sở, thu nhập của người dân địa phương và lao động làng nghề ổn định và ở mức khá.

 

Ông Phan Văn Dương  - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chợ Mới cho biết: “Các làng nghề đóng vai trò tích cực trong việc phát triển ngành nghề TTCN, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống ở địa phương. Do đó, việc đầu tư hỗ trợ nguồn vốn, đào tạo chuyên môn, hạ tầng kỹ thuật, xúc tiến thương mại là điều hết sức cần thiết. Chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện hàng năm trích 1 tỷ đồng từ ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho các hộ trong làng nghề phát triển sản xuất. Quy hoạch phát triển làng nghề gắn với các điểm, tuyến du lịch… Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật nhằm phổ biến công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm mới để sản phẩm được nâng cao về năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh, góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề của địa phương”.

 

Làng nghề mộc chợ Thủ (xã Long Điền A) hình thành hơn 100 năm, tại đây có trên 1.000 hộ tham gia hoạt động sản xuất tại làng nghề, với 100 cơ sở lớn, nhỏ, sử dụng trên 2.500 lao động. Theo ông Trần Minh Đoàn, đại diện làng nghề mộc chợ Thủ cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ khuyến công của tỉnh, đã có 40 hộ làm nghề mộc được hỗ trợ mua sắm thay đổi máy móc thiết bị, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, giúp làng nghề ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, mức độ an toàn lao động cao. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, đã phát triển 20 cơ sở chuyên chạm trổ, 7 cơ sở chuyên tiện”.

 

Do kinh tế ngày càng phát triển, nên nhu cầu mua sắm trang trí nhà cửa, đồ gỗ ngày càng nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu trên, từng cơ sở đổi mới cách sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như xã hội. Trước đây, các cơ sở trong làng nghề sản xuất quy mô nhỏ lẻ thì hiện nay đã có rất nhiều thay đổi từ nguồn vốn hỗ trợ đúng lúc, kịp thời thúc đẩy các cơ sở làng nghề phát triển, các chính sách hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã tạo điều kiện, khuyến khích cho các làng nghề trong toàn tỉnh phát triển hiệu quả nhất.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang