Thời gian qua, sự phát triển của ngành Điện tử tại Bắc Giang chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Điều này cho thấy, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Bắc Giang đã phát huy hiệu quả như: “2 ít, 3 cao” (sử dụng ít đất, ít lao động; dự án có công nghệ, suất vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế cao). Cùng với đó, Bắc Giang còn tạo thuận lợi trong thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của công nghiệp điện tử với hàng loạt doanh nghiệp (DN) là vendor cấp 1, cấp 2… của các DN lớn, đưa DN tại địa bàn tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Bởi vậy, đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn “làm tổ” tại Bắc Giang như: Luxshare-ICT, Foxconn, Hana Micron.
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho thấy, thu thuế từ DN FDI 9 tháng qua vượt 16,7% dự toán. Trong đó, một số DN CNHT điện tử lớn đã mở rộng quy mô, tạo bước đột phá về giá trị sản xuất.
Đơn cử, Công ty TNHH Hana Micron Vina DN Hàn Quốc, trụ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung, có doanh thu 9 tháng ước đạt 6.164 tỷ đồng, tăng 61,26%. Doanh nghiệp này hiện chuyên sản xuất, gia công bảng vi mạch tích hợp cho điện thoại di động và thiết bị thông minh, tạo việc làm cho gần 2 nghìn lao động. Tương tự, Công ty TNHH-ICT Luxshare Vân Trung có doanh thu 9 tháng ước đạt 59.830 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm điện tử chủ lực của Công ty có mức tăng mạnh như: Đồng hồ thông minh, tai nghe, máy tính xách tay, Ipad…
Còn tại Công ty TNHH Blueway Vina, (Khu công nghiệp Vân Trung, thị xã Việt Yên) là DN Trung Quốc chuyên sản xuất, gia công các linh kiện điện tử, chi tiết như: Mạch tích hợp, màn hình điện thoại và thiết bị điện tử khác cho một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… Đi vào hoạt động từ năm 2012 tại Bắc Giang, DN đã không ngừng phát triển và đang tạo việc làm ổn định cho gần một nghìn lao động. Năm 2024, Công ty tiếp tục mở rộng thị trường, đổi mới tổ chức sản xuất, đồng thời tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới nên doanh thu tăng mạnh. 9 tháng năm 2024, doanh số bán hàng đạt hơn 70 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất kể từ khi hoạt động tại tỉnh Bắc Giang đến nay.
Ông Tăng Cầm Xuân - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Blueway Vina cho biết: “Quá trình hoạt động tại Bắc Giang, DN được hỗ trợ về mặt bằng, tuyển dụng lao động và tháo gỡ vướng mắc các thủ tục từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch thuê nhà xưởng để mở rộng quy mô, đồng thời mong muốn tiếp tục được kết nối, tuyển dụng lao động có tay nghề cao vào làm việc tại DN”.
Đặc biệt, mới đây, Foxconn - nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới vừa công bố kế hoạch đầu tư 12.507 tỷ đồng để mở rộng nhà máy tại Bắc Giang. Nhà máy này sẽ được trang bị công nghệ hiện đại và hệ thống tự động hóa tiên tiến nhất. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với việc áp dụng các công nghệ mới, Foxconn kỳ vọng sẽ tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm như MacBook và iPad trên thị trường toàn cầu.
Việc mở rộng nhà máy này cũng sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế khu vực. Qua đó, không những chỉ giúp cải thiện thu nhập cho người lao động mà còn thúc đẩy tiêu dùng và phát triển các dịch vụ xung quanh khu vực sản xuất. Điều này sẽ tạo ra một chuỗi giá trị kinh tế bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Nhiều DN điện tử lớn mở rộng quy mô, tạo bước đột phá về giá trị sản xuất
Năm 2024, giá trị ngành sản xuất điện tử, quang học, máy vi tính, linh kiện điện tử của tỉnh Bắc Giang ước đạt hơn 472.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm khoảng 69% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp (ước năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt hơn 685.000 tỷ đồng). Mặc dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn song ngành Điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng, qua đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Giang được quy hoạch phát triển trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, CNHT. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn sẽ là trọng tâm phát triển trong những năm tiếp theo. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời khuyến khích thu hút đầu tư “tại chỗ” nhằm tạo điều kiện để DN đã và đang hoạt động tại tỉnh mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư tại địa phương.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, giai đoạn tới, địa phương xác định tập trung phát triển ngành công nghiệp dựa trên thúc đẩy, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp điện tử, công nghệ cao. Để tiếp tục đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nói chung, cũng như có thêm nhiều nhà đầu tư lớn hoạt động lĩnh vực CNHT, trong đó có công nghiệp điện tử, tỉnh mong muốn các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cơ hội, tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang cùng những quan điểm, chủ trương và quyết tâm của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng luôn lắng nghe kiến nghị để kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN; tập trung cao cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH để phục vụ thu hút đầu tư.
Huyền My