Gặp khó khăn trong hoạt động nhập khẩu, nhiều DN hiện nay đang đối mặt với nguy cơ không thể vận hành, do nguồn nguyên liệu sản xuất dự phòng chỉ có thể cầm cự được trong 1-2 tháng tới. Nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều DN sẽ phải đóng cửa nhà máy hoặc buộc phá sản khi bị đứt nguồn cung nguyên liệu. Đặc biệt, việc tạm dừng giao thương thông qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc thời gian qua cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới những DN nhập khẩu nguồn nguyên liệu chính từ quốc gia này.
Chịu tác động nặng nề nhất từ dịch Covid-19 có thể kể đến ngành Sản xuất, lắp ráp ô tô. Hiện nay, ngoài Trung Quốc, các DN lắp ráp xe trong nước còn phải nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Hai quốc gia này cũng đang có số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, các DN càng khó khăn hơn về nguồn cung linh, phụ kiện. Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Các DN sản xuất ôtô dự kiến đến giữa hoặc cuối tháng 3, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rõ rệt đến tình hình sản xuất trong nước, sản lượng sản xuất sẽ bắt đầu giảm. Một số DN, đặc biệt là các DN sản xuất xe tải như Công ty CP Ô tô TMT đang thiếu lao động bởi đội ngũ chuyên gia Trung Quốc vẫn chưa trở lại Việt Nam làm việc.
Để chủ động ứng phó, các DN trong nước đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung từ các nước, vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Ấn Độ… Tuy nhiên, nguyên vật liệu từ các nguồn cung này chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã và khó đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ. Đặc biệt, giá cả không cạnh tranh được như thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, bên cạnh việc mở rộng nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều DN đã gia tăng các đơn đặt hàng với DN trong nước. Ông Hà Quyết Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Kim Long chia sẻ: "Lượng đơn hàng của Công ty đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước với khách hàng chủ yếu là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)".
Với việc sản xuất thiết bị, phụ tùng, linh kiện CNHT, DN cũng cần phải có nguyên liệu sắt thép. Hiện nay, các DN trong nước đã cung ứng được lượng thép khá lớn ra thị trường, nhưng còn một số chủng loại vẫn phải nhập khẩu. "Nếu dịch bệnh kéo dài 1-2 tháng nữa thì nguyên liệu cũng sẽ trở nên khan hiếm. Đặc biệt, nếu dịch Covid-19 kéo dài lâu hơn thì tất cả hàng hóa nguyên liệu sẽ càng khó khăn, ảnh hưởng đến các DN sản xuất CNHT" – ông Thắng cho hay.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, số DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT đang chiếm khoảng 5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, nhiều DN đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, còn một số DN vẫn thiếu và yếu về quy mô và năng lực, các sản phẩm chủ yếu là linh phụ kiện đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Với tình hình biến động ngày một căng thẳng của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước. Đó là đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là CNHT và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Khuyến khích các DN CNHT trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai.
Bài toán giải quyết nguồn cung nguyên liệu đang là vấn đề gây đau đầu với hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Thiết nghĩ, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, các DN cần chuẩn bị sẵn sàng cả về nguồn lực và tâm thế để có thể ứng phó với mọi khó khăn có thể gặp phải.
Bảo Hân