Hiện nay, tình hình hoạt động nhập khẩu tại các cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Tuy nhiên, lưu lượng hàng hóa nhập khẩu - trong đó có các mặt hàng nguyên phụ liệu - vẫn còn mất khá nhiều thời gian để tiến hành thông quan do bắt buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm dịch. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Vì lý do trên, Bộ Công Thương chủ trương tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững.
Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp, đa dạng hoá nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất Việt Nam có lợi thế như cao su, xơ, sợi..., tập trung phát triển các loại vật liệu cơ bản như thép cán nóng, thép chế tạo, vải, các loại vật liệu mới để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.
Bích Ngọc