Chủ Nhật, 24/11/2024 21:20:18 GMT+7
Lượt xem: 2955

Tin đăng lúc 07-11-2019

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ có nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chiều ngày 6/11, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về thực trạng và giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những định hướng lớn trong dài hạn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ có nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đang tích cực xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những định hướng lớn nhằm thúc đẩy ngành phát triển

Nêu câu hỏi về thực trạng và giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước), Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), Hoàng Văn Cường (Hà Nội),… đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ những khó khăn, hạn chế và giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác.

 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với rất nhiều cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, đến nay, công nghiệp hỗ trợ của nước ta chưa phát triển và chưa đạt được yêu cầu như kỳ vọng.

 

Chỉ ra nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trước hết là do trình độ phát triển kinh tế và sự tương tác trong quan hệ giữa Việt Nam với các nền kinh tế khác, trong đó có yếu tố lợi thế cạnh tranh nên phần lớn ngành công nghiệp hỗ trợ của chúng ta phụ thuộc nhiều sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm.

 

“Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành từ năm 2018, nhưng việc triển khai các cơ chế ưu đãi về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ ngân sách” – Bộ trưởng chỉ rõ và cho biết, do nhiều vướng mắc chưa được háo gỡ kịp thời nên rất khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

 

Trong khi đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng tiếp cận với tín dụng để phục vụ cho đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản lý và nâng cao năng suất đều hạn chế.

 

Trước thực tế nói trên, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cách đây 4 tháng, Bộ Công Thương đã bắt đầu xây dựng nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những định hướng lớn. Cụ thể, sẽ tiến hành rà soát lại để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển; tiếp tục có chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để bảo đảm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên kết và chuyển giao công nghệ, tạo ra sự lan toả cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cùng phát triển.

 

Một trong những định hướng lớn, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, là việc thiết kế những chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hạ nguồn, trong đó có công nghiệp cơ khí chính xác, công nghiệp chế tạo… để bảo dảm cho công nghiệp hỗ trợ có đầy đủ điều kiện để phát triển.

 

Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách mới, nhất là các chính sách, nhằm hình thành các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận với mục tiêu sớm hình thành 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ giới thiệu về công nghệ tại ba miền.

 

Tranh thủ điều kiện của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển và chuỗi giá trị, nhất là khai thác những thị trường mới – cũng là định hướng lớn được Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong kế hoạch dài hạn, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

 

Cũng trong phiên trả lời chất vấn chiều nay, đi vào vấn đề cụ thể được đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đặt ra là, khi nhận thấy thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt, một số tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô, sản xuất, phân phối sản phẩm cơ khí chế tạo gây sức ép cho các doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần, nhượng lại các lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước đang làm tốt hoặc mua bán, sáp nhập, có nguy cơ gây tổn hại đên các doanh nghiệp trong nước. Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ Công Thương để bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo trong nước và bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Cho rằng đây là một hiện tượng tương đối phổ biến trong kinh tế thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu giải pháp, hiện chúng ta đã có một số bộ luật quan trọng, như: Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh... được xem là nền tảng quan trọng bảo đảm cho việc thực thi pháp luật để tự bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để “tự vệ”, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt và có biện pháp phù hợp, nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

 

Dẫn quy định liên quan đến việc mua lại hoặc sáp nhập giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, Luật Cạnh tranh đã quy định rất cụ thể, nếu những doanh nghiệp tiếp tục tích tụ và tập trung kinh tế đến mức độ có thể gây ảnh hưởng đến thị trường và tạo ra những hành vi phản cạnh tranh thì có thể áp dụng các cơ chế tố tụng cạnh tranh để xử lý. Hơn nữa, Luật Đầu tư cũng có nhiều quy định để bảo vệ những lợi ích chung của các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang