Theo con số thống kê mới nhất, Cà Mau hiện có trên 23.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động với tổng vốn đầu đăng ký trên 27.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 80%, phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, sửa chữa..., đóng góp gần 60% vào chỉ số tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Cà Mau cho biết: “Những năm qua, hoạt động khuyến công đã đóng góp quan trọng trong việc động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Trên thực tế, thời gian qua, sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được đầu tư, trang bị thêm nhiều máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại, tham gia vào quá trình sản xuất, góp phần hình thành nên các sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng cả về chất và lượng, gia tăng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Cà Mau, nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh đang được ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực và kích thích cơ sở CNNT có thêm nguồn lực đầu tư vào phát triển sản xuất.
Các cơ sở CNNT chế biến nông sản được hưởng lợi nhiều từ nguồn vốn khuyến công.
Từ nguồn kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại địa phương, Sở Công Thương Cà Mau đã đầu tư xây dựng phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và triển khai 4 điểm trưng bày, bán các sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm đặc sản của tỉnh, tham gia các hội chợ công nghiệp, thương mại thủy sản trong nước, tổ chức các cuộc kết nối cung cầu với các địa phương, chương trình hàng Việt về nông thôn... Đây là những hoạt động thiết thực nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của doanh nghiệp, cơ sở CNNT ở Cà Mau đến khách hàng trong và ngoài tỉnh, mở rông thị trường tiêu thụ đặc biệt là các thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, TP.HCM, các hệ thống siêu thị...
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trên thực tế việc triển khai các hoạt động khuyến công vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các cơ sở CNNT hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính hộ gia đình, thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị mới, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao, phát triển doanh nghiệp thiếu bền vững.
Ông Nguyễn Văn Khải cho rằng, để hỗ trợ tốt hơn nữa cho các cơ sở CNNT phát triển sản xuất, kinh doanh thì cần phải xác định đúng đối tượng khi triển khai các đề án khuyến công hỗ trợ, đồng thời phải thẩm tra năng lực của đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị để đánh giá năng lực thực hiện và tư vấn hướng dẫn cho các cơ sở CNNT đầu tư, lựa chọn công nghê phù hợp với nhu cầu, năng lực tài chính của cơ sở và vùng nguyên liệu. Ngoài ra, Cà Mau cũng sẽ tập trung xây dựng đề án hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từ đó tạo sự lan tỏa cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác.
Văn Phương