Đây là những con số không đơn giản với ngành CNHT, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, các Bộ, ban ngành chức năng cùng cộng đồng DN đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để CNHT phát triển khởi sắc.
Nhận rõ năng lực CNHT hiện nay
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dù năng lực sản xuất các sản phẩm hỗ trợ trong nước trong những năm vừa qua đã dần được cải thiện, nhưng khả năng cung ứng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp rất thấp, trong đó tỷ lệ này của các ngành Dệt May mới đạt khoảng 40-45%. Ngành vải may hiện đạt sản lượng 2,3 tỷ m2/năm, mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu trong nước. Ðiểm nghẽn chủ yếu của CNHT ngành Dệt may là công nghệ nhuộm vải cũng như công tác xử lý môi trường cho công nghệ này chưa được quan tâm đúng mức, đã hạn chế các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt vải.
Ðáng chú ý là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ mới đạt 7-10%, còn ngành Điện tử cũng đang phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành Điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%; Điện tử chuyên dụng hay công nghiệp công nghệ cao là 5%. Tuy nhiên, hầu hết các linh kiện nội địa hóa lại đều do các công ty FDI cung cấp, còn doanh nghiệp Việt Nam chỉ chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn,… với giá trị rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường.Ðến nay, các doanh nghiệp nội địa mới chỉ cung ứng khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT…
Làm gì để phát triển mạnh CNHT?
Một tín hiệu đáng mừng với ngành CNHT, đó là từ ngày 14-16/8/2019, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Công ty Reed Tradex Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện: “Diễn đàn CNHT Việt Nam 2019”, “Triển lãm Quốc tế Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam năm 2019” và “Triển lãm CNHT Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 8 tại Hà Nội”. Chuỗi sự kiện sẽ góp phần hướng tới và mở ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng ngành sản xuất linh kiện, chế tạo phụ tùng công nghiệp của Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Theo giới chuyên môn, sở dĩ có thể khẳng định điều này, bởi chúng ta đang có được bối cảnh khá thuận lợi. Đó là Việt Nam đã và đang thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và nền kinh tế, mở rộng xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới. Thực tế cho thấy, với những bước tiến trong cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đang là điểm đến của các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung. Ước tính hiện nay có hơn 10.000 công ty nước ngoài, bao gồm cả các “ông lớn” như: Samsung, Intel và LG đang hoạt động tại Việt Nam với xu hướng ngày càng phát triển và tăng cường sản lượng, mở rộng hoạt động. Tín hiệu đáng mừng này cho thấy, tiềm năng của thị trường Việt Nam đang dần được công nhận, theo đó vị thế lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung cũng được nâng lên trong tương lai gần.
Cùng với các sự kiện hướng đích nói trên, hiện nay, các Bộ, ban ngành chức năng cũng đang tập trung tạo điều kiện để CNHT phát triển. Trong đó, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025. Qua đó, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã và đang được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử…
Ngành điện tử tin học phải là một trong những lĩnh vực đi đầu phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tại một Hội nghị chuyên ngành về CNHT mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Một số ngành chủ lực được chúng tôi xác định rất rõ và đã được sự đồng ý của Chính phủ, đó là các ngành công nghiệp Điện tử,Ô tô, Dệt May, Da giày, Năng lượng... Đây đều là những ngành mà Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có những dung lượng thị trường.Quá trình triển khai, chắc chắn Việt Nam gặp nhiều thách thức, nhưng đây chính là cơ hội tái cơ cấu lại các ngành công nghiệp, trong đó có CNHT”.
Việc tái cơ cấu đó sẽ cho phép tập trung vào những DN có hiệu quả bởi việc tiếp cận, đổi mới công nghệ cũng như tiếp cận thị trường bằng các chính sách về tín dụng, đào tạo... Tất cả giải pháp đó thuộc khu vực của Chính phủ và Nhà nước phải tổ chức thực hiện.
Cùng với những chính sách hỗ trợ về tín dụng, đào tạo…, ngành CNHT Việt Nam cũng đang tích cực học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malayxia… Đặc biệt, về phía các doanh nghiệp, không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà cần phải chủ động trong đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ lao động và sản xuất để từng bước giành được chỗ đứng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Ðây chính là những giải pháp cơ bản, góp phần để CNHT phát triển ổn định, từ đó tạo nền tảng quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững…
Với nhiều giải pháp tích cực đó, mong rằng, đến năm 2030, sản phẩm CNHT sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam theo hoạch định.
Hà Đăng