Làng nghề chè Phú Yên, xã Yên Bài được hình thành từ năm 1961. Đến năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã cấp bằng công nhận Làng nghề chè truyền thống. Năm 2020, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể Làng nghề chè truyền thống Phú Yên. Cũng trong năm 2020, làng nghề chè truyền thống Phú Yên là một trong 12 làng nghề được thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề theo Quyết định số 4787/QĐ-UBND thành phố Hà Nội.
Chè Phú Yên có nước màu xanh đẹp, có độ óng, uống có vị thơm ngọt. Hiện nay, Làng nghề có 128 hộ tham gia sản xuất chè; bà con làng nghề trồng các giống chè PH1, San Tuyết,... trên diện tích hơn 80ha, trong đó có 5ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc HTX Nông nghiệp Yên Bài
Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc HTX Nông nghiệp Yên Bài cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo xã Yên Bài, huyện Ba Vì, HTX đã tập trung chỉ đạo bà con phát triển sản phẩm theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn và có trách nhiệm với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, HTX đã thay đổi mẫu mã, xây dựng câu chuyện sản phẩm, vận dụng mạng internet như Facebook, Zalo, các sàn thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm chè Phú Yên, Yên Bài. Những năm gần đây, HTX định hướng kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của địa phương tốt hơn. Xã đã liên kết với một số HTX để liên kết tiêu thụ sản phẩm như kết hợp với HTX Khoai Đồng Thái để mở một cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm; đưa hàng vào các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn huyện và thành phố; liên kết với HTX OCOP toàn cầu để làm một gian hàng tại Khu du lịch Suối Rồng, xã Yên Bài (Bắt đầu triển khai từ tháng 12/2023),…
Ngay từ khi các thành viên tham gia sản xuất chè, HTX đã ban hành quy chế; trong đó các thành viên kiểm tra chéo nhau, đồng thời liên tục kiểm tra hoạt đồng trồng và sản xuất của các thành viên. Khi tham gia Chương trình OCOP đã có các đoàn kiểm tra của huyện, thành phố về kiểm tra từ đất, nước, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm, đảm bảo không còn dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm,…
Nổi bật trong hoạt động sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm chè Phú Yên đó là gia đình chị Nguyễn Thị Thiết với mô hình sản xuất chè thủ công gần như 100%. Chè của hộ chị Thiết đang làm chủ yếu là chè nõn 01 tôm, 02 lá; quy trình sản xuất đa dạng, chất lượng từ khi chăm sóc cây chè vì sử dụng toàn bộ phân hữu cơ và thuốc sinh học.
Chị Nguyễn Thị Thiết - Cơ sở sản xuất và chế biến chè Thanh Thiết tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Thiết - Cơ sở sản xuất và chế biến chè Thanh Thiết được biết: Với diện tích sản xuất hơn 01ha, sản lượng chè của cơ đạt khoảng 01 tấn chè tươi, thành phẩm chè khô khoảng 160kg. Cơ sở chăm sóc cây chè bằng phân hữu cơ và thuốc sinh học; thu hoạch chè thủ công; sản xuất chè theo quy trình thủ công truyền thống kết hợp với máy móc hiện đại; trong đó chè được sấy bằng điện thay thế bằng củi trước đây. Hiện nay, cơ sở tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, vào các kỳ thu hoạch, lao động thời vụ đông hơn.
“Mong địa phương và các cấp quan tâm hơn nữa đối với hoạt động sản xuất chè của địa phương như hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc để nâng cao hơn nữa chất lượng chè Phú Yên, Yên Bài, giúp nâng cao thương hiệu chè Phú Yên, tăng tính cạnh tranh sản phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận người tiêu dùng và mở rộng thị trường” - Chị Nguyễn Thị Thiết khẩn khoản chia sẻ thêm.
Lãnh đạo xã Yên Bài cho biết: Yên Bài có diện tích gieo trồng khoảng hơn 600ha; trong đó diện tích trồng lúa đạt 327ha, diện tích rau và hoa màu khoảng gần 50ha, diện tích trồng ngô khoảng 229ha. Diện tích trồng cây lâu năm khoảng trên 400ha. Trong đó diện tích trồng bưởi khoảng 150ha, trồng chè trên 80ha, còn lại là một số cây lâu năm khác. Hàng năm, UBND xã chỉ đạo HTX xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
Đối với hai sản phẩm OCOP là Chè và Bưởi, UBND xã chỉ đạo HTX xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá sản phẩm ra thị trường, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm chè của làng nghề truyền thống Phú Yên đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, UBND xã định hướng làng nghề tập trung đi sâu vào kỹ thuật tinh chế, làm ra nhiều loại chè đặc biệt phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhằm nâng cao giá trị của chè thương phẩm, tránh bán chè ở dạng thô; phấn đấu nâng hạng OCOP chè Phú Yên lên 4 sao.
Chè Phú Yên có chất lượng tốt, đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Tuy nhiên, thị trường đầu ra sản phẩm có phần chưa ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá chè Phú Yên vẫn cần một “cú hích” để giúp chè Phú Yên phát huy được thế mạnh của mình và vững vàng vươn ra chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Minh Ngọc