Thứ Năm, 21/11/2024 18:26:26 GMT+7
Lượt xem: 1530

Tin đăng lúc 29-10-2024

Chiến lược công nghiệp bán dẫn: Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 100 tỷ USD/năm

Chiến lược phát triển công nghiệp (CN) bán dẫn của Việt Nam đặt mục tiêu đạt quy mô doanh thu trên 25 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2024-2030. Sang giai đoạn 2030-2040, doanh thu từ ngành này sẽ tiếp tục tăng lên đến 50 tỷ USD/năm, và đến giai đoạn 2040-2050, mục tiêu sẽ đạt mức 100 tỷ USD mỗi năm.
Chiến lược công nghiệp bán dẫn: Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 100 tỷ USD/năm
Việt Nam sẽ đầu tư mạnh vào hệ sinh thái bán dẫn

Bên cạnh mục tiêu doanh thu, chiến lược còn hướng tới xây dựng hệ sinh thái CN bán dẫn toàn diện với ít nhất 300 doanh nghiệp (DN) chuyên về thiết kế, 03 nhà máy sản xuất chip bán dẫn, cùng 20 nhà máy phục vụ đóng gói và kiểm thử sản phẩm. Với các mốc phát triển này, Việt Nam hướng đến việc hình thành một chuỗi giá trị bền vững và nâng cao vị thế cạnh tranh trong ngành CN bán dẫn toàn cầu.  

 

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg, thông qua Chiến lược phát triển CN bán dẫn quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn xa tới năm 2050. Đây được coi là bước đi chiến lược nhằm đưa Việt Nam không chỉ tham gia mà còn nổi bật trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Chiến lược này được chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn nhắm tới những mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao năng lực của ngành CN bán dẫn Việt Nam.

 

Với chiến lược được thiết kế bài bản, Việt Nam đang mở ra con đường tham vọng để xây dựng nền CN bán dẫn vững chắc. Khi hoàn thành, chiến lược này không chỉ giúp Việt Nam phát triển CN bán dẫn mà còn là bàn đạp quan trọng để quốc gia tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo dựng tên tuổi trong ngành CN công nghệ cao trên trường quốc tế.

 

Trong giai đoạn 2024-2030, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách chọn lọc vào ngành CN bán dẫn. Theo lộ trình này, Việt Nam sẽ xây dựng nền tảng CN bán dẫn với ít nhất 100 DN thiết kế, một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, cùng với 10 nhà máy đóng gói và kiểm thử sản phẩm. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng cho các ngành CN cụ thể, góp phần gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất.

 

Về mặt doanh thu, mục tiêu đề ra là ngành CN bán dẫn đạt trên 25 tỷ USD/năm, với giá trị gia tăng trong nước từ 10-15%. Song song, ngành CN điện tử cũng hướng đến mức doanh thu 225 tỷ USD/năm, với tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước tương đương. Dù vậy, để hoàn thành được các mục tiêu này, Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực cho ngành CN bán dẫn, đạt quy mô trên 50.000 kỹ sư và cử nhân được đào tạo bài bản, có cơ cấu và số lượng phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành.

 

Giai đoạn 2030-2040, Việt Nam sẽ tập trung phát triển ngành CN bán dẫn theo hướng kết hợp giữa tự cường và thu hút đầu tư nước ngoài. Đến cuối giai đoạn này, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng được ít nhất 200 DN thiết kế, 02 nhà máy sản xuất chip bán dẫn, và 15 cơ sở đóng gói và kiểm thử sản phẩm. Quan trọng hơn, quốc gia hướng tới từng bước làm chủ công nghệ thiết kế và sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

 

Quy mô doanh thu của ngành CN bán dẫn Việt Nam dự kiến sẽ đạt trên 50 tỷ USD mỗi năm, với giá trị gia tăng nội địa ở mức 15-20%. Trong khi đó, doanh thu ngành CN điện tử dự kiến đạt trên 485 tỷ USD mỗi năm, cũng với giá trị gia tăng nội địa tương đương. Để đáp ứng nhu cầu này, lực lượng nhân sự ngành bán dẫn sẽ được mở rộng lên hơn 100.000 kỹ sư và cử nhân, được đào tạo để có cơ cấu và kỹ năng phù hợp cho sự phát triển toàn diện của ngành.

 

Giai đoạn 2040-2050 đánh dấu một bước tiến lớn, với mục tiêu biến Việt Nam thành một quốc gia làm chủ hoàn toàn về công nghệ và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Dự kiến, hệ sinh thái ngành CN bán dẫn sẽ mở rộng lên ít nhất 300 DN thiết kế, ba nhà máy sản xuất chip bán dẫn và 20 cơ sở đóng gói và kiểm thử sản phẩm.

 

Về quy mô doanh thu, ngành CN bán dẫn sẽ đạt trên 100 tỷ USD mỗi năm, với giá trị gia tăng nội địa từ 20-25%. Ngành Điện tử nói chung dự kiến đạt doanh thu 1.045 tỷ USD, với cùng mức giá trị gia tăng nội địa. Đến cuối giai đoạn, Việt Nam không chỉ tự chủ trong sản xuất mà còn đạt được vị thế dẫn đầu ở một số công đoạn và phân khúc trong chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, hoàn thiện hệ sinh thái CN bán dẫn mang tính bền vững và đột phá cho nền kinh tế.

 

 

Chiến lược phát triển ngành CN bán dẫn mang lại những cơ hội to lớn cho các DN 

 

Để hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng, Chiến lược phát triển CN bán dẫn Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh vào việc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, đồng thời tạo ra các sản phẩm chip thế hệ mới mang tính đột phá. Việt Nam sẽ đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu công nghệ lõi trong lĩnh vực bán dẫn, ưu tiên phát triển các sản phẩm chip phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT).

 

Đồng thời, Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái CN bán dẫn trong nước, đồng bộ kết nối với các hệ sinh thái của các đối tác chiến lược quốc tế. Nền tảng công cụ dùng chung sẽ được thiết lập để phục vụ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo chuyên gia, và hỗ trợ các quy trình thiết kế, phát triển chip bán dẫn. Mục tiêu là thúc đẩy ứng dụng chip chuyên dụng trong nhiều ngành quan trọng như nông nghiệp công nghệ cao, CN tự động hóa, điện tử tiêu dùng, và các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, tạo nền tảng cho một nền CN bán dẫn tự chủ và vững mạnh.

 

Chiến lược phát triển CN bán dẫn của Việt Nam đặt ra một loạt các giải pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhằm thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn quốc gia, từ xây dựng nhà máy, phát triển công nghệ đến mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Một điểm nhấn quan trọng là chính sách hỗ trợ đầu tư và tài chính đặc biệt từ nhà nước để xây dựng một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip. Nhà máy này sẽ là nền tảng cho các DN trong nước dễ dàng tiếp cận sản xuất chip bán dẫn với chi phí tiết kiệm, khuyến khích sự phát triển của các dự án nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

 

Chiến lược còn nhấn mạnh việc tập trung nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển các thiết bị điện tử thế hệ mới, đặc biệt là các sản phẩm tích hợp chip chuyên dụng và chip AI. Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm các thiết bị điện tử sản xuất trong nước, nhằm thúc đẩy thị trường CN điện tử nội địa phát triển mạnh mẽ hơn.

 

Để nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu, chiến lược cũng đề ra mục tiêu hỗ trợ các DN lớn trong nước hướng tới sản xuất thiết bị điện tử thế hệ mới, đặt nền tảng để các DN này phát triển thành các tập đoàn đa quốc gia. Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các DN công nghệ số mở rộng đầu tư vào sản xuất thiết bị điện tử, cùng với đó là phát triển hệ sinh thái CN phụ trợ và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

 

Để tạo thuận lợi cho DN trong việc nhập khẩu và xuất khẩu linh kiện, chiến lược đề xuất thiết lập “làn xanh” cùng các cơ chế ưu tiên khác, giúp đẩy nhanh quá trình thông quan cho các nguyên liệu và thiết bị liên quan đến CN bán dẫn và điện tử. Đồng thời, việc đầu tư vào hạ tầng số, điện, cấp thoát nước cũng là một phần quan trọng của chiến lược, đảm bảo nguồn cung điện nước ổn định và áp dụng giá ưu đãi cho các khu vực sản xuất bán dẫn, với ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo.

 

Phương Minh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang