Mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu khả quan. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút hơn 18,8 tỷ USD vốn FDI. Các quốc gia có số dự án và lượng vốn lớn phải kể đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu hay Singapore, trong đó, Hàn Quốc có hơn 420 dự án mới với tổng vốn đạt 2,8 tỷ USD.
Với lợi thế chi phí lao động thấp, chính sách thu hút đầu tư cởi mở và có nhiều FTA, Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm của nhiều Tập đoàn đa quốc gia đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Từ tháng 3, hãng Apple của Mỹ bắt đầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và tăng số lượng sản xuất tai nghe tại Việt Nam. Hay Google và Microsoft cũng đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam… Đặc biệt mới đây, truyền thông thế giới thông tin, Mỹ đã xác định Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chuỗi cung ứng… Tuy nhiên, sự cạnh tranh thu hút đầu tư hiện cũng đang rất lớn, bởi một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia đều đưa ra những chính sách ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài để mời chào các nhà đầu tư.
Hiện nay, Chính phủ và một số bộ, ngành chức năng đang thể hiện rất rõ quyết tâm để Việt Nam có thể đón được dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc hậu dịch Covid-19. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp CNHT trong nước. Vì vậy, để nắm bắt tốt cơ hội tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp CNHT Việt phải chủ động cải tiến năng lực và quy trình sản xuất của mình để đáp ứng được yêu cầu cao của các đối tác đến từ những thị trường vốn có đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.
QA