Bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam cho biết, Airbus đang làm việc chặt chẽ với các công ty trong nước cho các đơn hàng mới liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay, nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng. Chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức liên quan trong nước nhằm tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng mới.
Ông Thomas Cochelin, Giám đốc vật tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Airbus thì cho biết, Airbus đang tìm kiếm những doanh nghiệp có quản trị tốt, khả năng cạnh tranh cao và tích cực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đảm bảo chất lượng và an toàn cho mỗi sản phẩm. “Tham gia các khóa đào tạo của Airbus, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp hàng không”.
Airbus đã giới thiệu đến các đối tác tiềm năng quy trình để xin phê chuẩn, đánh giá năng lực… các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ phải làm việc trực tiếp với Airbus để biết mình phải làm gì để đáp ứng được các yêu cầu.
Hiện nay, tại Việt Nam, ngành công nghiệp hàng không là một ngành còn hết sức mới mẻ, chưa có nhiều nhà sản xuất trong nước đủ năng lực để tham gia vào chuỗi OEM cho các hãng sản xuất máy bay. Các doanh nghiệp đủ năng lực và được phê chuẩn cung ứng cho lĩnh vực này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI như: Nikkiso (Nhật Bản), Meggit (Mỹ)…, còn Việt Nam mới chỉ có Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật hàng không (AESC) được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn sản xuất một số thiết bị cho ghế máy bay bằng nhựa.
Theo các chuyên gia, một số chi tiết cơ khí của các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất ổn, nếu muốn xâm nhập vào chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không thì doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp với các hãng sản xuất máy bay để tìm hiểu và tiến hành các bước để đạt được sự phê chuẩn. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường kết nối với các doanh nghiệp như Airbus, Boeing… hay những doanh nghiệp cung ứng cấp 1, cấp 2 để từng bước nâng cao năng lực, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp hàng không.
Triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực công nghiệp hàng không - AeroExpo Hanoi & Vietnam Aviation Forum 2023 có sự góp mặt của các hãng hàng không lớn trên thế giới như: Airbus, Boeing, Safran, Thales, Mitsubishi, Parker, China Southern, China Eastern và khoảng 50 doanh nghiệp nước ngoài trên khắp thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hợp tiếp xúc, trao đổi với các hãng hàng không lớn cũng như các doanh nghiệp đầu chuỗi về cơ hội hợp tác trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực CNHT, công nghiệp hàng không tham gia chương trình
Tại sự kiện, tham gia chương trình kết nối kinh doanh B2B, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, dầu nhờn, dây chuyền sản xuất linh kiện, thiết bị cho ngành công nghiệp hàng không cũng đạt được những thỏa thuận hợp tác, mở rộng thị trường ngay trong chương trình tại sự kiện triển lãm lần này.
Quỳnh Anh