Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Hiện Việt Nam đã tham gia và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng nhiều FTA khác. Vì vậy, nhu cầu hợp tác, phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn FDI rất lớn.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP. Hà Nội (HANSIBA) - cho biết, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp CNHT đã cung ứng được cho những tập đoàn đa quốc gia lớn, cùng các doanh nghiệp FDI đã có mặt tại Việt Nam như Canon, Samsung, Toyota, Honda… Theo đó, các doanh nghiệp CNTT cũng đã xuất khẩu sản phẩm trực tiếp cho các đối tác trên thế giới, đem lại doanh thu rất lớn, lên đến hàng trăm và nghìn tỷ đồng. Vì thế, hiệp hội đã tiến hành đẩy mạnh việc hợp tác, ký kết thỏa thuận, xúc tiến cung cầu cho các doanh nghiệp CNHT trong nước với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn FDI đã, đang có mặt tại Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Cường - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hikari Việt Nam, năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì hầu như các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, cả trực tiếp và gián tiếp. Điều này có thể còn tiếp diễn trong năm 2021 nhưng vẫn có tín hiệu khả quan khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương và ổn định, tạo thành điểm mạnh để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, công ty trong nước. “Nếu doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam nắm bắt các cơ hội đó, thì có thể nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nên các kế hoạch kinh doanh công ty đặt ra trong năm 2021 sẽ khả thi, với mục tiêu tăng trưởng 30-40% so với 2020”, ông Cường chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn hàng đã tăng lên do nhiều đối tác bị đứt nguồn cung ở Trung Quốc vì dịch Covid-19. Hiện các nhà máy sản xuất đã chạy hết công suất sản xuất và đang nhận được nhiều đơn hàng mới của các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ cũng như các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Ngay trong ngày ra quân đầu năm Tân Sửu (ngày 17/2/2021), Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã xuất khẩu hơn 200 ô tô và linh kiện phụ tùng sang các thị trường Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là lô hàng có số lượng lớn nhất từ trước đến nay, gồm xe du lịch Kia, xe bus và sơmi rơmoóc được sản xuất tại các nhà máy thuộc Khu công nghiệp THACO Chu Lai.
Cụ thể, 80 xe Kia Grand Carnival xuất sang Thái Lan lần này là lô hàng thứ 7 được THACO xuất cho đối tác Yontrakit kể từ tháng 12/2019. 120 xe Kia Soluto xuất khẩu sang Myanmar là lô xe thứ 6 THACO xuất sang thị trường này. Xe du lịch Kia do THACO sản xuất ngày càng được khách hàng tại các nước khu vực ASEAN đánh giá cao bởi chất lượng tương đương với xe sản xuất tại Hàn Quốc, đạt tiêu chuẩn Kia toàn cầu và giá cạnh tranh.
Kế hoạch năm 2021, THACO sẽ xuất khẩu 1.480 xe sang Thái Lan, Myanmar và mở rộng sang các thị trường khác, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng của Kia Motors tại khu vực ASEAN.
Sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT
Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp CNHT nội địa tham gia vào mạng lưới sản xuất vẫn còn thấp. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài thường yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, trong khi các doanh nghiệp CNHT chủ yếu là nhỏ và vừa, còn rất thiếu về vốn và kinh nghiệm.
Cũng nói về khó khăn của doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Việt Hàn bày tỏ, các doanh nghiệp CNHT thường là nhỏ và rất nhỏ, khiến nhân sự, tài sản và doanh số đều nhỏ, nên gặp khó khăn trong nhiều vấn đề. Vì thế, cơ quan quản lý nên có những hỗ trợ về vốn, về thông tin và đưa ra những ưu đãi hợp lý.
Ngoài ra, các doanh nghiệp CNHT cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT. Chính phủ và doanh nghiệp cùng song hành với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hỗ trợ cho ngành CNHT. Thậm chí, các doanh nghiệp còn mong muốn Chính phủ ban hành chỉ thị cụ thể yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam phải nội địa hoá và đặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng theo hướng sẽ hỗ trợ các tập đoàn FDI này về thuế và chính sách khác theo tỷ lệ đặt hàng nội địa hoá.
Trước đó, ngày 6/8/2020, với sự tham mưu của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Những mục tiêu này được hiện thực hóa thông qua 7 nhóm giải pháp chính mà Nghị quyết đề ra, kỳ vọng sẽ tạo nên những bước phát triển đột phá cho lĩnh vực CNHT.
Trong năm 2020, lần đầu tiên Bộ Công Thương đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT, là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. |
Theo Congthuong