Thứ Sáu, 22/11/2024 09:35:17 GMT+7
Lượt xem: 2499

Tin đăng lúc 11-06-2018

Công nghiệp hỗ trợ - “chìa khóa” cho công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển

Theo các chuyên gia, để có một nền công nghiệp ô tô phát triển thì bắt buộc phải có một ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vững mạnh. Nhiều năm qua, mặc dù Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy ngành CNHT nói chung và CNHT lĩnh vực ô tô nói riêng nhưng các doanh nghiệp (DN) CNHT ô tô trong nước vẫn phải đối mặt với quá nhiều khó khăn.
Công nghiệp hỗ trợ - “chìa khóa” cho công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển
Một số linh kiện phụ tùng ô tô tại Saigon Autotech- Accessories 2018

Còn nhiều hạn chế

 

Tại Hội thảo chuyên ngành với chủ đề: “Công nghiệp phụ trợ - Chìa khóa vàng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, mặc dù phát triển chậm nhưng CNHT ngành sản xuất ô tô ở Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu một số DN lắp ráp ô tô ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung ứng trên thị trường còn kém, các DN mới chỉ sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy… Đa số DN nội về CNHT chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng hơn 300 DN thuộc ngành CNHT sản xuất ô tô. Bình quân mỗi DN lắp ráp ô tô tại VN có chưa đến 2 nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cho mình. Hơn 90% các DN cung cấp linh kiện ô tô tại VN là các DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Trong khi, mới chỉ có một số DN trong nước tham gia vào mạng lưới cung ứng cho sản xuất, lắp ráp ô tô. Điều này dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa thấp, hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Chẳng hạn, đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%. 

 

 

Một số linh kiện phụ tùng ô tô tại Saigon Autotech- Accessories 2018

 

Theo T.S Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) nguyên nhân chủ yếu là do mức tiêu thụ ô tô trong nước còn thấp, DN chưa mở rộng thị trường ở ngoài nước, nên thị trường tiêu thụ ô tô còn hạn chế kéo theo thị trường CNHT ngành sản xuất ô tô ở nước ta có quy mô nhỏ, hạn chế khả năng phát triển DN sản xuất phụ tùng linh kiện; thêm vào đó, năng lực khoa học - công nghệ của các DN Việt còn yếu kém; đặc biệt là sự liên kết giữa DN lắp ráp và DN CNHT còn thiếu và yếu… Tất cả những điều này đã hình thành nên chiếc vòng luẩn quẩn khiến CNHT ô tô VN vẫn chưa thể phát triển.

 

Cần sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn bộ ngành CNHT trong nước

 

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn tồn tại và phát triển, các DN CNHT trong nước cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa; tăng cường liên kết với nhau để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay đã có một số DN chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết về ô tô. Nhờ vậy, một số sản phẩm đã có khả năng cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu của các DN sản xuất lắp ráp ô tô. Điển hình là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), hiện DN này đã có khu phức hợp sản xuất, lắp ráp xe ô tô; có 13 nhà máy CNHT, ngoài việc có thể chủ động linh kiện trong sản xuất, Thaco còn có thể cung cấp cho các DN trong nước.

 

 

Để có một nền công nghiệp ô tô phát triển, cần sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn bộ ngành CNHT trong nước

 

 

Nói thêm về giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho rằng, thành công trong sản xuất xe hơi không chỉ dừng lại ở chính nội tại một nhà sản xuất mà cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ của cả một mạng lưới CNHT hoàn hảo; trong đó có những DN dẫn đầu và một mạng lưới, hệ thống các DN bao quanh, cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các DN lớn.

 

Ông Huệ cho biết thêm, với dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast, mục tiêu đặt ra trong dài hạn là tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 60% với ô tô và 100% với xe máy điện. Vì vậy, Vinfast đang hướng đến xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các DN CNHT tại Việt Nam nhằm xây dựng phát triển đồng bộ ngành CNHT. Đồng thời, có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện trong khu CNHT của VinFast.

 

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu sản xuất ô tô trong nước và từng bước tham gia vào hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành CNHT trong nước nói chung và công nghiệp ô tô nói riêng, với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành CNHT cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

 

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ, bản thân DN trong ngành CNHT ô tô cần chủ động hơn nữa trong việc đổi mới, đầu tư, hướng tới tự động hóa, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ và tìm kiếm khách hàng. Các DN cần có chính sách đầu tư hợp lý để đáp ứng nhu cầu sản xuất ô tô trong nước và quan trọng nhất, DN CNHT phải thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất chính mới có thể tham gia lâu dài vào hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô./.

 

 

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 3.000 USD; thời kỳ bùng nổ xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó, nhu cầu thị trường ô tô trong nước vào năm 2025 có thể lên tới 600.000 xe/năm.

 


Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang