Thứ Bẩy, 30/11/2024 04:54:06 GMT+7
Lượt xem: 10650

Tin đăng lúc 29-11-2017

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Doanh nghiệp Việt vẫn chưa “nối được mạng”

Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành điện tử không thiếu, song đến nay, các doanh nghiệp (DN) Việt vẫn chủ yếu cung ứng sản phẩm bao bì, vật liệu, phụ tùng nhựa, kim loại, trong khi phần lớn linh kiện, phụ tùng của ngành sản xuất điện tử đều nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến cho giá trị gia tăng toàn ngành điện tử ở mức thấp.
Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Doanh nghiệp Việt vẫn chưa “nối được mạng”
Vì sao các nhà cung ứng cấp một cho ngành điện tử hầu hết là DN FDI?

Theo điều tra của Trung tâm Phát triển DN CNHT (SIDEC, 2016), thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương, ngành điện tử hiện phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. 

 

Chỉ dừng ở linh kiện đơn giản 

 

Khẳng định ngành công nghiệp điện tử phát triển sẽ là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT trong nước, tuy nhiên, bà Vũ Thị Thanh Huyền, Giảng viên Trường Đại học Thương mại, cho biết phần sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số linh kiện cơ khí, nhựa – cao su. Các nhà cung ứng cấp một cho ngành điện tử hầu hết là công ty FDI, tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm chỉ 20-30%.

 

Bà Huyền nhận định, hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các DN sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm bằng việc làm các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa mà chưa vươn tới các linh kiện quan trọng có giá trị gia tăng cao hơn. 

 

Về số lượng DN CNHT, theo số liệu thống kê năm 2017 (SIDEC 2017), sản xuất linh kiện điện – điện tử có 610 DN, tăng trưởng bình quân về số lượng DN giai đoạn 2011-2016 phát triển nhanh, đạt 13,66%, song tỷ lệ DN sản xuất linh kiện trên tổng số DN ngành điện tử chỉ chiếm khoảng 52,28%.

 

“Theo lý thuyết, để đảm bảo cung ứng tốt cho ngành lắp ráp, các DN sản xuất linh phụ kiện phải lớn hơn nhiều so với số DN lắp ráp, vì vậy, tỷ lệ này vẫn tương đối thấp và chưa hợp lý”, bà Huyền cho biết.

 

Về quy mô DN, bà Huyền cho biết, các DN CNHT chủ yếu là DN nhỏ và vừa, thiếu vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng cao, thêm vào đó, sự tham gia của DN CNHT Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng đơn giản như bao bì, một số khuôn mẫu nhựa (nhưng cũng rất ít), các linh kiện phức tạp, tinh vi như linh kiện điện tử thường do các DN FDI đảm nhận hoặc nhập khẩu bên ngoài. 

 

Trong khi đó, khi xét về tính liên kết giữa DN CNHT ngành điện tử với khách hàng và các nhà cung cấp, bà Huyền dẫn kết quả phỏng vấn với Samsung và các DN CNHT ngành điện tử, cho thấy hình thức hợp đồng chủ yếu của DN cung cấp CNHT với DN lắp ráp FDI (ở đây là Samsung) là hợp đồng theo từng đơn hàng. 

 

“Điều này thể hiện tính liên kết yếu giữa các DN, trong đó, DN CNHT trong nước chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp các nguyên liệu, phụ tùng đơn giản như bao bì, vật liệu, phụ tùng nhựa, kim loại; một số dịch vụ hậu cận như vận chuyển, vệ sinh, ăn uống… còn lại phần lớn do DN FDI đảm nhiệm”, bà Huyền nói.

 

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Kinh doanh công ty CP SUNPLA, chia sẻ, hiện DN CNHT ngành điện tử tại Việt Nam có hai mô hình khách hàng chủ yếu là Hàn Quốc và Nhật Bản. 

 

Cần hỗ trợ từ chính sách

 

Với khách hàng Hàn Quốc, hình thức hợp tác chủ yếu là DN Việt ký hợp đồng với nhà thầu phụ của Samsung hay LG và các nhà thầu phụ là bên đứng ra ký hợp đồng trực tiếp với Samsung hay LG. Với dạng này, phần lớn DN Việt sẽ không nắm được kế hoạch tuần/tháng/quý/năm; hình thức hợp đồng thường theo đơn hàng. 

 

Với khách hàng Nhật Bản, nếu là hợp tác trực tiếp giữa DN Việt và các tập đoàn điện tử lớn như Canon, Brother… các DN thường được ký kết các hợp đồng sản xuất hàng loạt và thời gian hợp đồng cũng tương đối dài hạn.

 

Tuy nhiên, rất ít DN Việt Nam có thể ký kết hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh trực tiếp; số lượng DN Việt Nam tham gia hình thức ký kết gián tiếp thông qua các nhà thầu phụ cho chuỗi cũng không nhiều. 

 

Ngoài ra, sự liên kết giữa các DN CNHT nội địa cũng rất hạn chế, phần lớn nguồn nguyên liệu, linh kiện đầu vào của các DN đều từ NK hoặc mua từ DN FDI trong nước, có nghĩa là ngay cả DN khách hàng nội địa thì DN CNHT Việt Nam cũng chưa đáp ứng được.

 

Ông Nguyễn Đình Vinh, Tổng Giám đốc công ty CP Hanel, đặt vấn đề, tại sao phát triển CNHT hơn 30 năm nhưng kết quả chưa như kỳ vọng, trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ cần 20 năm đã có một nền CNHT phát triển mạnh. Phải chăng cần nhìn nhận lại mối liên kết giữa DN nội và DN FDI, liên kết giữa quản lý nhà nước và bộ ngành với DN.

 

Ông Vinh chia sẻ, hiện nay, các DN không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch, cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, vì thế nếu không được đảm bảo đầu ra, DN chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn. Để làm được điều này phải có “bàn tay” của Nhà nước.

 

Cụ thể, theo ông Vinh, có hai cách để DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Một là DN Việt tự lớn mạnh, chứng minh có thể cung cấp sản phẩm chất lượng cao với các FDI và được họ chọn là nhà cung ứng. Tuy nhiên, cách này rất ít DN làm được.

 

Đa phần các DN hiện nay cần có sân chơi, trong đó có các chính sác của Nhà nước hỗ trợ cho DN. “Tôi biết hiện nay các chính sách có nhiều nhưng vẫn thiếu một cái gì đó để gắn được vào với DN. Quy định chúng ta có nhưng DN có hấp thụ được không, đó là câu chuyện chúng ta cần phải bàn. Đơn giản từ việc DN làm ra sản phẩm nhưng không biết thử nghiệm sản phẩm đó ở đâu”, ông Vinh bình luận

 

Về phần DN điện tử FDI, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại của Tập đoàn Samsung, cho biết khó khăn lớn nhất của các DN FDI khi bắt đầu đầu tư ở Việt Nam là không biết năng lực DN Việt đến đâu, họ có thể sản xuất công nghệ nào, quy mô ra sao… Vì vậy, họ cần có cơ sở dữ liệu của các DN Việt Nam, từ đó tìm nhà cung ứng phù hợp. 

 

Bà Nguyễn Thị Thuý Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, kiến nghị, các chính sách hỗ trợ phát triển CN điện tử đã và đang tiếp tục được hoàn thiện nhưng cần để những chính sách này đi vào thực tế với sự nỗ lực lớn của các Bộ ngành.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang