Thứ Sáu, 22/11/2024 09:08:09 GMT+7
Lượt xem: 1707

Tin đăng lúc 03-01-2020

Công nghiệp hỗ trợ: Định hình là ngành trọng yếu

Mục tiêu chung Bộ Công Thương đặt ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đáp ứng 25% giá trị sản xuất công nghiệp.
Công nghiệp hỗ trợ: Định hình là ngành trọng yếu
Thaco hiện có 13 nhà máy CNHT, cung cấp linh kiện cho tập đoàn và các doanh nghiệp khác

Doanh nghiệp chủ động tham gia chuỗi cung ứng

 

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, số doanh nghiệp đang hoạt động trong CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, tương đương 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo với doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh trong năm 2018 ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo...

 

Ông Bùi Thanh Nam - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Hà Nội - thông tin, đơn vị đã tham gia vào chương trình nội địa hóa của Honda. Riêng Toyota, công ty cũng tham gia cùng doanh nghiệp này từ năm 2010, lúc đầu chỉ có 2 chi tiết, đến năm 2018 nâng lên khoảng 30 chi tiết; năm 2019 phát triển thêm 14 chi tiết.

 

Đến năm 2030 tỷ lệ nội địa hóa yêu cầu của Chính phủ là 50%, đó là cơ hội rất lớn “Vừa rồi chúng tôi cũng thành lập công ty chuyên tạo khuôn - gia công các sản phẩm điện tử và thành lập một trung tâm gia công lớn. Nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ chắc chắn sẽ phát triển tốt”- ông Bùi Thanh Nam bày tỏ.

 

Đại diện Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco) cho biết, đơn vị này có 13 nhà máy CNHT, ngoài cung cấp linh kiện cho Thaco, còn có thể cung cấp cho các doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

 

Nhờ tham gia Chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt”, Công ty CP CNHT Minh Nguyên đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến với vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Công ty đã được Samsung tin tưởng chọn là nhà cung ứng cấp 1, cung ứng linh kiện phụ trợ cho Tổ hợp Dự án Sản xuất thiết bị điện tử gia dụng của Tập đoàn Samsung.

 

Coi CNHT là ngành trọng yếu

 

Để phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, nhà nước cần phát huy vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân.

 

Cụ thể, để có thể tận dụng được chính sách hỗ trợ rất cần những khung khổ chính sách và cơ chế cụ thể của Chính phủ để doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường CNHT.

 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ôtô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư. “Cùng với đó là nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển 3 trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường...” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.

 

Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã khai trương Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội; đánh dấu bước tiến nổi bật của Bộ Công Thương trong đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, trở thành cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam.Quyết tâm “nâng chất” cho CNHT, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - khẳng định, Bộ Công Thương đã xây dựng các chương trình để hợp tác với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn có những dự án quy mô lớn có khả năng tạo sự lan tỏa. Trong đó, đáng kể nhất là chương trình đào tạo tư vấn viên với Tập đoàn Samsung. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng hơn 300 tư vấn viên đào tạo bài bản ở Hàn Quốc và các cơ sở của Samsung có thể đáp ứng được các chuẩn mực trở thành nhà cung ứng các chuỗi sản phẩm của Samsung. “Con số các nhà cung ứng cấp 1 đạt trên 30 - 40 doanh nghiệp, nhà cung ứng cấp 2 lên tới hàng trăm doanh nghiệp, tạo ra sự liên kết gắn bó giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp CNHT Việt Nam”- ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Cần xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp doanh nghiệp CNHT sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang