Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, khi nguồn cung linh phụ kiện cho sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề, các nhà sản xuất quốc tế đã tăng cường tìm đến Việt Nam như một thị trường cung ứng thay thế. Trên thực tế, vào khoảng tháng 3 năm nay, nhiều doanh nghiệp CNHT chứng kiến đơn hàng gia tăng mạnh từ 30 – 40%. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp trên thế giới, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế khó: giảm đơn hàng, đối tác không nhận hàng, thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào…
Đơn cử như Công ty Cơ khí Phạm Văn Hải (TP.HCM) đang gấp rút hoàn thành đơn hàng sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đối tác đặt mua máy chế biến bột cá của công ty vẫn chưa nhận hàng vì đang phải cắt giảm chi phí đầu tư. Ông Nguyễn Đình Thủy, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Văn Hải cho biết doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động để bảo toàn vốn. Bởi để sản xuất ra một máy xay bột, số vốn đầu tư bỏ ra là khoảng 2 tỷ đồng. Nếu không bán được hàng ngay để có vốn xoay vòng, doanh nghiệp gần như không thể hoạt động tiếp.
Công ty Cổ phần (CP) Thương mại cơ khí Tân Thanh (TP.HCM) cũng phải gồng mình trong đợt dịch lần này. Doanh số quý I/2020 của công ty sút giảm 30%, dự báo vẫn sẽ giảm nếu dịch bệnh và thị trường tiếp tục diễn biến phức tạp. Để giải quyết khó khăn về dòng vốn, công ty đã làm việc với các ngân hàng xin giảm và giãn nợ, đồng thời cắt giảm một số hoạt động không cần thiết…
Đón cơ hội mới
Đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi vĩnh viễn cách các nhà sản xuất trên thế giới tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực CNHT. Họ nhận ra rằng sẽ là quá mạo hiểm nếu tin tưởng tuyệt đối vào thị trường Trung Quốc. Trong xu hướng đa dạng hoá nguồn cung nhằm phân tán rủi ro, Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những thị trường giàu tiềm năng nhất.
Sau sự cố gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, các công ty đa quốc gia sẽ phải cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên để có thể trở thành đối tác của những công ty lớn trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực vượt bậc nhằm tháo gỡ những điểm yếu cố hữu như: chậm đổi mới công nghệ, kém kết nối…
Giá thành cao, sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, tay nghề của công nhân vẫn còn khoảng cách lớn so với những đối tác nước ngoài… chính là những nỗi trăn trở lớn của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Những giải pháp ngắn hạn và dài hạn đang gấp rút được triển khai.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ Khí - Điện TP.HCM (HAMEE) cho rằng, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần củng cố lại đội ngũ, sắp xếp bộ máy và hoàn thiện hệ thống sản xuất để tiếp tục vận hành và đón cơ hội ngay khi dịch kết thúc. Tuy nhiên, doanh nghiệp CNHT cần thêm nguồn lực đầu tư từ nhà nước qua việc tập trung phát triển một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản, quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, các hỗ trợ về tín dụng, ưu đãi về thuế và đất đai... cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ để DN tiếp cận thuận lợi hơn.
Minh Phương