Thứ Bẩy, 23/11/2024 14:15:47 GMT+7
Lượt xem: 1194

Tin đăng lúc 08-10-2021

Đà Nẵng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao

Với việc xác định ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột trong phát triển kinh tế của thành phố, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành này, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đà Nẵng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao
Hoạt động sản xuất tại Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, Đà Nẵng)

Khu công nghiệp công nghệ cao thu hút nhiều dự án đầu tư

 

Tính từ tháng 01 - 7/2021, khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) ở Đà Nẵng đã thu hút được 11 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư là 145,3 triệu USD; 8 dự án trong nước đầu tư vào các KCN với tổng vốn đăng ký đầu tư là 188,4 tỷ đồng. 

 

Đến nay, KCNC và các KCN Đà Nẵng đã thu hút được 499 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 26.696 tỷ đồng và 1.744,4 triệu USD, với 65.752 lao động đang làm việc.

 

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang quy hoạch, đầu tư và phát triển thêm nhiều khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút và mở rộng hoạt động công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, sẽ bổ sung khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT), KCNC Đà Nẵng với tổng diện tích quy hoạch là 58,531ha.

 

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, với việc hình thành Khu CNHT, KCNC Đà Nẵng sẽ tạo động lực thu hút, đẩy mạnh phát triển ngành CNHT của TP. Đà Nẵng.

 

“Ban Quản lý khu CNC và các KCN Đà Nẵng cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng Khu CNHT, KCNC sớm đưa vào khai thác, cung cấp quỹ đất cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu nghiên cứu, mở rộng, đầu tư, sản xuất”, ông Sơn cho hay.

 

Tạo thuận lợi cho các DN hoạt động tại KCNC

 

Nhiều chủ doanh nghiệp CNC nước ngoài đang hoạt động tại KCNC TP. Đà Nẵng cho biết, có rất nhiều lý do để họ lựa chọn đầu tư tại Đà Nẵng. Cụ thể, Công ty ICT Vina (100% vốn Hàn Quốc) cho biết, khi đầu tư vào KCNC, Công ty được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như ưu đãi về thuế thu nhập, miễn giảm tiền thuê đất... Thêm nữa, Đà Nẵng là trung tâm của khu vực miền Trung của Việt Nam, có cảng biển lớn nên giao thông rất thuận lợi. Môi trường Đà Nẵng cũng rất trong lành, sạch sẽ, phù hợp với lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp. Công ty ấn tượng bởi thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư tại đây rất nhanh do chỉ mất 8 tháng để hoàn thành toàn bộ các thủ tục, nhanh hơn nhiều so với thời gian dự kiến ban đầu là 12 tháng và phía Việt Nam hướng dẫn rất nhiệt tình, cụ thể.

 

Còn Công ty TNHH Niwa Foundry Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) chuyên sản xuất các linh kiện máy bằng kim loại, là một trong những công ty đầu tiên đầu tư vào KCNC TP. Đà Nẵng. Công ty hiện đã vận hành ổn định được 6 năm, có tổng cộng 100 nhân viên và doanh thu mỗi năm khoảng 6 triệu USD. Lý do doanh nghiệp này chọn KCNC TP. Đà Nẵng để mở nhà máy là vì Đà Nẵng rất thuận tiện để sản xuất và vận chuyển sản phẩm đi các tỉnh thành khác trên cả nước; xuất khẩu đi Thái Lan, Indonesia, các nước Đông Nam Á... Đồng thời, tại đây có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, miễn giảm thuế phí phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

 

Nhiều chính sách thu hút đầu tư

 

Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung mà hạt nhân là KCNC, thành phố đã phê duyệt đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD, có sức lan tỏa vào KCN, nâng tỷ lệ đóng góp của KCNC Đà Nẵng vào GRDP của thành phố đạt tối thiểu 10% đến năm 2025. Đến năm 2030, phát triển KCNC Đà Nẵng đồng bộ với các KCNC Hòa Lạc và Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

 

Ban Quản lý KCNC và các KCN TP.Đà Nẵng cho biết, hiện tại, UBND TP.Đà Nẵng đang có kế hoạch trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, có sự điều chỉnh, bổ sung và xây mới hệ thống cảng biển, đường sắt, đường bộ và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những thuận lợi rất lớn để tăng sức thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Đà Nẵng nói chung và đầu tư vào KCNC nói riêng. 

 

Trong tương lai, khi cảng biển Liên Chiểu được xây dựng và đưa vào sử dụng, hệ thống logistics phía Tây thành phố và hệ thống các công trình phụ trợ hoàn thiện sẽ rút ngắn được thời gian và khoảng cách vận chuyển hàng hóa, thiết bị tạo nên bước đột phá trong việc thu hút đầu tư vào KCNC.

 

Hưởng lợi nhất sẽ là các dự án chuyên xuất khẩu, các dự án logistics phục vụ khu công nghệ cao và các khu công nghiệp phía tây thành phố. Từ đó, tạo thành chuỗi cung ứng và kết nối với các vùng kinh tế lân cận, góp phần tăng hiệu quả và năng suất đối với các dự án đầu tư tại KCNC Đà Nẵng.

 

Bảo Kiên


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang