Tham dự có các ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cùng đại diện các Bộ, ngành, Sở KH&CN địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo báo cáo tại hội thảo, hiện nay cả nước có khoảng 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), chiếm 0,03% trong tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước một số ngành trọng điểm như ô tô chỉ từ 20 – 30%, da giày, dệt may trên 10%,... nên giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của DN kém. Ngành cơ khí chế tạo (CKCT) có khoảng 3.100 DN, với 53.000 cơ sở sản xuất, mới chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu trong nước, vì hàng năm Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc thiết bị. Tình trạng chung của các DN trong nước đều thiếu vốn, công nghệ thiết bị còn lạc hậu, sản xuất manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao. Chính sách hỗ trợ của nhà nước mặc dù đầy đủ nhưng DN chỉ được hưởng lợi trên giấy tờ. Việc đầu tư cho ngành CKCT còn phân phán, chưa đồng đều,...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xung quanh 2 lĩnh vực là CNHT và CKCT là rất rộng lớn. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và sẽ có định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Những sự chỉ đạo đó sẽ được thể hiện bằng nhiều cách, bằng luật, hoặc sự điều chỉnh của văn bản dưới luật, hoặc sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, tính nhất quan xuyên suốt vẫn sẽ được xem xét thận trọng.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, nên có tư duy quản lý đi chung với tư duy doanh nghiệp. Nhu cầu thực tế phát triển đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và chúng ta có điều kiện để thực hiện và thúc đẩy ngành này phát triển. Bởi thời gian qua, chỉ riêng nhập khẩu cơ khí chế tạo, Việt Nam đã phải chi ra tới 27 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, để ngành CNHT và CKCT phát triển đúng tiềm năng trong thời gian tới, các ngành kinh tế - kỹ thuật cần đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ có hiệu quả, trong đó ưu tiên chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để nâng cao trình độ năng lực công nghệ quốc gia. Cùng với đó là việc đào tạo nhân lực để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý thuận lợi để các chuyên gia, nhà nghiên cứu là người Việt Nam ở nước ngoài dễ dàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ về nước. Với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cần có cơ chế chính sách thỏa đáng để chủ động chuyển giao.
Ngoài ra, Chính phủ nên ban hành chính sách riêng cho doanh nghiệp CNHT trong nước, thay vì chính sách đại trà cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, vì thực tế là các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước chưa có đầu ra, doanh nghiệp nội địa thường ít vốn, sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu hơn các doanh nghiệp FDI. Chính phủ cần sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để phát triển CNHT. /.
NQ