Thứ Bẩy, 23/11/2024 12:30:57 GMT+7
Lượt xem: 1500

Tin đăng lúc 10-09-2021

Doanh nghiệp công nghiệp hộ trợ ngành Dệt May vẫn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức

Thời gian từ nay đến cuối năm 2021 không còn nhiều. Liệu xuất khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam có thể đạt được 30 – 33 tỷ USD như kỳ vọng? Trong khi các doanh nghiệp công nghiệp cũng như công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành Dệt May vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Doanh nghiệp công nghiệp hộ trợ ngành Dệt May vẫn tiếp tục đối mặt nhiều thách thức
Doanh nghiệp công nghiệp hộ trợ ngành Dệt May vẫn đối mặt với nhiều thách thức

Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã làm lỡ dở, đảo lộn, thậm chí vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhiều ngành hàng nói chung, cũng như ngành CNHT nói riêng. Vã dĩ nhiên, lĩnh vực phụ trợ Dệt May cũng không phải là ngoại lệ.

 

Cụ thể, cho đến nay, tác động của đại dịch Covid-19 vẫn khiến doanh nghiệp ngành Dệt May bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động... Hiện nay, các doanh nghiệp khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. Trong khi đó, việc nhập khẩu từ Trung Quốc, quốc gia khác cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn. Do đó, các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác.

 

Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp dệt may công bố mới đây cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp Dệt May đã sụt giảm đáng kể sau nhiều tháng liên tiếp phải áp dụng giãn cách xã hội. Công ty Dệt may Thành Công cho biết, doanh thu tháng 8/2021 của đơn vị này chỉ đạt 10,5 triệu USD (tương đương 238 tỷ đồng), giảm mạnh 23% so với cùng kỳ năm trước. Công ty bị lỗ sau thuế 282.425 USD (tương đương 6,4 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1 triệu USD (tương đương 22,7 tỷ đồng). Lũy kế 8 tháng đầu 2021, doanh thu của Thành Công đạt 106 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 5,48 triệu USD (tương đương 124 tỷ đồng), giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp khác cũng có báo cáo chẳng mấy khả quan như Tổng công ty May Nhà Bè cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế nửa đầu 2021 là 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ 16,5 tỷ đồng…

 

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự liệu, nếu trong tháng 10/2021, các doanh nghiệp ngành Dệt May đồng loạt hoạt động trở lại, nguồn lao động đáp ứng được 40%, công nhân được tiêm 2 mũi vaccine, thì xuất khẩu toàn ngành cố gắng sẽ đạt từ 30 - 33 tỷ USD. Trong khi mục tiêu ban đầu đặt ra năm 2021 của ngành sẽ xuất khẩu khoảng 39 - 39,5 tỷ USD sản phẩm Dệt May.

 

Trước mục tiêu và thách thức ấy, doanh nghiệp Dệt May cần và hy vọng vào điều gì? Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc May 10 cho biết, từ tháng 7 đến nay, May 10 phải làm một báo cáo chưa từng có trong tiền lệ, đó là báo cáo về tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động. Nếu có tỷ lệ lao động được tiêm cao, đối tác sẽ đặt hàng đến quý IV/2021 và 2 quý đầu năm 2022, còn không, họ sẽ chấm dứt hợp đồng…

 

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu cũng cho hay, việc khống chế dịch bệnh và  mở cửa trở lại là điều tiên quyết giúp doanh nghiệp duy trì, đẩy mạnh sản xuất nhằm vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện hơn nữa để cho người lao động được tiêm vaccine nhằm giữ vững nguồn lực, duy trì ổn định để đẩy mạnh sản xuất.

 

Mới đây, 7 doanh nghiệp dệt may tại Tiền Giang với 13.300 công nhân đã đề nghị được Thủ tướng quan tâm, hỗ trợ vaccine Covid-19 để trở lại sản xuất trước khi bị mất đơn hàng. Đại diện doanh nghiệp dệt may phía Nam cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực và kéo dài 4 tháng qua khiến doanh nghiệp kiệt quệ, đối diện nguy cơ phá sản.

 

Như vậy, có thể nói, đến thời điểm bước vào quý cuối năm 2021 này, để thu hút nguồn lao động, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh rất quyết liệt của bộ máy chính quyền thì vaccine vẫn là hy vọng mang tính mấu chốt của doanh nghiệp. Hiện có nhiều tín hiệu lạc quan khi Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vaccine trong thời gian tới. Điều này hy vọng rằng sẽ tạo điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế một cách bình thường mới.

Tuy vậy, theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, khả năng tới năm 2022 vẫn chưa thể khẳng định sẽ hoàn toàn sản xuất bình thường, có thể lại có giai đoạn bị giãn cách, thậm chí cách ly, ảnh hưởng tới sản xuất. Doanh nghiệp cũng phải lưu ý trước xu thế gia tăng kinh doanh trực tuyến, cắt khâu trung gian, kéo dài thời gian thanh toán. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn, việc không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng, để đối tác chuyển sang nước khác là sự thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Nhìn chung, thời gian tới, các cơ quan quản lý hữu quan cũng như doanh nghiệp cần có sự chung sức, tiếp tục cùng thực hiện nhiều giải pháp, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn hiện tại như: mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong và ngoài nước; tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm Dệt May, Da giày Việt Nam tại Mỹ, EU… Có như vậy, mới giữ vững thị trường xuất khẩu, đi đôi với phát triển thị trường nội địa…

 

Lê Minh

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang